Không sản xuất xanh, sẽ nhanh bị thải loại

Sáng 27-7, tại Aeon Mall Hà Đông (Hà Nội) đã diễn ra Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững năm 2024”.

Diễn đàn này do Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) phối hợp với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức.

IMG_1099.jpeg
Quang cảnh diễn đàn sáng 27-7, tại Hà Nội

Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững năm 2024” là sự kiện để thống nhất tiếng nói và hành động chung giữa nhà quản lý - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội khẳng định, sản phẩm xanh - tiêu dùng xanh đang là xu thế của thị trường, cần tiếp tục hình thành thói quen tiêu dùng xanh trong đời sống thường nhật để sản phẩm xanh ngày càng phát triển thị phần.

Bên cạnh đó, ông Tạ Đình Thi cho rằng, cũng cần ngăn chặn tình trạng lợi dụng, mượn danh sản phẩm xanh để gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đồng thời, cần tiếp tục hoạch định và hoàn thiện các chính sách về sản phẩm xanh - tiêu dùng xanh.

Còn ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dệt may Việt Nam cho rằng, sản phẩm xanh trong ngành dệt may đang là xu thế ở các nước nhập khẩu. Nếu các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không thích ứng thì sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi, đối tác nhập khẩu chắc chắn sẽ đi tìm các nguồn sản xuất, sản phẩm mới đảm bảo xanh - bền vững hơn.

Theo ông Cẩm, để chuyển đổi sang sản xuất xanh chắc chắc cần nguồn kinh phí lớn. Do đó, Nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp thông qua lãi suất, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực xanh; đồng thời cũng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người tiêu dùng có thể nhận biết, phân biệt được sản phẩm xanh là thế nào và đâu là sản phẩm xanh…

Tin cùng chuyên mục