Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình trước khi Quốc hội thông qua, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trong quá trình thảo luận, do còn có ý kiến khác nhau với Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến và trên cơ sở đa số ý kiến, Luật đã không quy định về Quỹ này. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về việc quản lý và sử dụng số dư của Quỹ tại điều khoản chuyển tiếp.
Nội dung khác cũng đã được chỉnh lý sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu là quy định về hợp đồng bảo hiểm theo hướng hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp giao kết do bị lừa dối đã loại trừ quy định về trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, thực tế, số lượng hợp đồng bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khá nhiều. Do đó, việc xử lý hậu quả pháp lý của các hợp đồng bảo hiểm này theo hướng hợp đồng vô hiệu quy định tại điều 127 của Bộ luật Dân sự là không khả thi, vì phải được Tòa án tuyên vô hiệu. Việc này phức tạp và tạo gánh nặng chi phí cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm.
Do đó, dự thảo Luật quy định việc xử lý hậu quả pháp lý vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ cung cấp thông tin tại hợp đồng bảo hiểm theo hướng hủy bỏ hợp đồng tương tự như quy định tại điều 423 của Bộ luật Dân sự.
Về loại hình doanh nghiệp bảo hiểm, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hình thức công ty tư nhân và công ty hợp danh không phù hợp đối với các công ty yêu cầu quy mô lớn, các công ty có lợi ích công chúng như lĩnh vực bảo hiểm.
Theo kinh nghiệm quốc tế, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm không áp dụng 2 loại hình doanh nghiệp này; lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng cũng không cho phép 2 loại hình doanh nghiệp này. Vì vậy, Luật Kinh doanh bảo hiểm chỉ lựa chọn 2 hình thức tổ chức là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.