Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về tội hành hạ người khác. Lúc này, cũng cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của người cha trong vụ việc.
Quan trọng hơn, chúng ta cần nghiêm túc xem xét vấn đề một cách thấu đáo để tìm ra và thực hiện những giải pháp hiệu quả, khả thi, từ đó không còn những trẻ em phải trở thành nạn nhân của nạn bạo hành, xâm hại - vốn tồn tại bấy lâu nay trong xã hội của chúng ta.
Giải pháp thứ nhất cần làm ngay là bố trí nhân sự có chuyên môn, thực quyền đảm nhiệm việc phòng ngừa và can thiệp sớm những trường hợp xâm hại có thể xảy ra trong tất cả môi trường, cụ thể là trong gia đình, tại cộng đồng và trường học, cơ quan. Vấn đề này đã được nêu lên từ rất lâu, từ khi nước ta phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
Nhu cầu bức thiết trên một lần nữa được xác định rõ trong Đề án quốc gia phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan về lĩnh vực này. Trong các quyết định quan trọng đó, luôn có chỉ tiêu các bộ ngành, và nhất là địa phương, phải bố trí nhân sự có chuyên môn; thậm chí yêu cầu rất cụ thể là đến cuối năm 2020 mỗi xã, phường bố trí ít nhất 2 cộng tác viên công tác xã hội (như ở Đề án 32).
Nhưng thực tế thì như thế nào? Câu trả lời là… hầu như chưa có gì. Thử hỏi ở mỗi phường trong khu đô thị hoặc xã đang đô thị hóa tại TPHCM, mỗi xã, phường có từ hơn 20.000 dân đến hơn 160.000 dân, thì 1 cán bộ bán chuyên trách sẽ làm được gì để bảo vệ trẻ em của chúng ta trước muôn vàn nguy cơ rình rập?
Giải pháp thứ hai là cần củng cố, kiện toàn hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, bao gồm cơ chế phối hợp can thiệp, trợ giúp các trường hợp bị bạo hành, xâm hại. Chúng ta bắt đầu triển khai hệ thống bảo vệ trẻ em một cách bài bản từ năm 2011, trải qua 2 chương trình quốc gia 5 năm từ 2011-2020, nhưng thực tế không có nhiều mô hình dịch vụ được triển khai, đúc kết và nhân rộng.
Sau thời gian thí điểm, các mô hình dần khép lại. Mới đây, vào ngày 7-12, Sở LĐTB-XH TPHCM tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định 2017 của UBND TPHCM về quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực xâm hại trên địa bàn thành phố.
Theo quy trình của TPHCM, việc phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục gồm 6 bước khá chặt chẽ. Rất tiếc sau chừng ấy năm, dù đã nhận ra những tồn tại trong các quy trình trước đó và tốn nhiều công sức để hoàn thiện, nhưng trong thực hiện đến nay vẫn chưa đo đếm được hiệu quả ra sao!
Giải pháp thứ ba, cần cải thiện công tác truyền thông, vận động để thay đổi nhận thức và hành vi của chính quyền, các ban ngành và cộng đồng. Làm sao cho từng người dân biết phản ứng trước cái xấu cái ác, cụ thể là xâm hại và bạo hành trẻ em.
Dư luận xã hội rất bức xúc trước vụ việc bé A. bị bạo hành đến chết, rằng: Hàng xóm đâu? Ban quản trị đâu? Bảo vệ đâu? Ban ngành đoàn thể đâu? Sao không báo công an sớm? Sao không báo đường dây nóng?… Liệu có muộn quá chăng? Câu trả lời là chưa bao giờ là quá muộn, khi chúng ta chung tay hành động!