Không phải chỉ để tránh mặt trái của chính sách, như tình trạng “chạy chọt”, hay đầu cơ, trục lợi không chính đáng, mà việc có cơ chế đặc thù cho quá nhiều địa phương sẽ khó tránh khỏi tình trạng “băm vụn” chính sách và làm phát sinh sự bất bình đẳng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nhận định, về lâu dài, cơ chế đặc thù không phải để giải quyết từng đặc điểm riêng biệt của mỗi địa phương. Việc thiết kế, ban hành cơ chế chính sách phải xuất phát từ lợi ích tối ưu của toàn xã hội và định hướng cho tương lai quốc gia, dân tộc, chứ không thể “chạy” theo các đặc điểm riêng.
Không thể phủ nhận sự cần thiết của việc ban hành chính sách “đặc thù” như một phép thử (nếu qua thí điểm thấy mang lại hiệu quả, thì xem xét sửa đổi, bổ sung luật pháp để áp dụng chung). Nhưng nếu áp dụng rộng thì nhiều cơ chế sẽ không còn là đặc thù. Một khi pháp luật cho phép “phổ cập hóa” đặc thù thì Nhà nước không còn quản lý xã hội bằng pháp luật mà là bằng chính sách, chủ trương và không phù hợp với nguyên tắc nhà nước pháp quyền.
“Phép thử” cũng có thể cho kết quả sai. Một số cơ chế, chính sách đặc biệt đã không mang lại kết quả như mong muốn và khi đó đây chính là lúc màng lọc chính sách phát huy tác dụng.
Nhìn từ góc độ khác, cần có những giải pháp đồng bộ để kiểm soát hiệu quả thực hiện cơ chế đặc thù. Ngay từ khi thiết kế chính sách, cần đưa ra những chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương, đơn vị được vận dụng chính sách đặc thù, tạo cơ sở để đánh giá chính xác về sau.
Đồng thời, vai trò giám sát của các cơ quan Quốc hội và ĐBQH cũng cần được phát huy thường xuyên, liên tục để xác định rõ những chính sách đặc thù được trao cho một số địa phương có kết quả đến đâu, nên tiếp tục, nên nhân rộng, hay bãi bỏ hoặc thay đổi.