Không phải vỉa hè nào cũng cho thuê

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, đề án thu phí sử dụng tạm vỉa hè chỉ xây dựng mức thu phí chung cho các quận, huyện.
Buôn bán hàng rong trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TPHCM Ảnh: Việt Dũng
Buôn bán hàng rong trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TPHCM Ảnh: Việt Dũng
Khi tuyến đường thuộc địa bàn nào nằm trong danh mục được phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè mà người dân, doanh nghiệp được phép sử dụng thì sẽ áp dụng mức thu này.

Cho thuê xong, vỉa hè phải văn minh hơn

Chuyên gia giao thông Lâm Thiếu Quân, nguyên Đại biểu HĐND TPHCM, cho rằng, việc cho thuê sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường là phù hợp thực tiễn. “Người dân khi có hữu sự hoặc sửa chữa nhà cửa đều có nhu cầu sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường. Đặc biệt, nhu cầu lớn nhất hiện nay là để xe gắn máy hoặc kinh doanh trên vỉa hè. Đây là thực tế không thay đổi được nên biện pháp cấm đoán, nghiêm cấm lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường lâu nay không hiệu quả. Dù các cơ quan chức năng có cứng rắn xử lý song không thể phạt mãi, trong khi người dân có nhu cầu luôn tìm cách lách, kể cả “đóng hụi chết””, ông Quân phân tích.

Đồng thuận với đề xuất thu phí vỉa hè của TPHCM, ông Nguyễn Đức Mạnh (ngụ quận 5, TPHCM) cho rằng, việc thu phí vỉa hè là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, TP có thêm nguồn thu, đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng vỉa hè của người dân để kinh doanh buôn bán, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Tuy vậy, việc cho thuê vỉa hè cần được thực hiện bài bản. Nếu không, rất dễ phát sinh hàng loạt vấn đề về tài chính, văn minh đô thị, các vấn đề xã hội… “TPHCM đang xây dựng văn minh đô thị. Thu phí vỉa hè để có nguồn thu và đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhưng đòi hỏi cũng đặt ra là khi cho thuê thì phải đảm bảo vỉa hè không nhếch nhác mà ngày càng quy củ hơn, văn minh hơn. Như vậy, TPHCM cần phải quy hoạch, chỗ nào sử dụng được, chỗ nào không và thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể” - ông Nguyễn Đức Mạnh đề nghị.

Ưu tiên phục vụ giao thông

Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết, TPHCM đã rất nỗ lực chấn chỉnh trật tự vỉa hè, lòng lề đường. Song dẹp hết vỉa hè rồi để trống là không hợp lý vì nó cần được khai thác hiệu quả. “Nhưng không phải tất cả các vỉa hè, lòng đường sau khi dọn dẹp là cho thuê mà sẽ có các điều kiện cụ thể. Bởi vì mục đích ưu tiên hàng đầu của vỉa hè, lòng đường là phục vụ giao thông, trong đó đảm bảo không gian cho người đi bộ trên vỉa hè thuận tiện, an toàn. Vì vậy, các vỉa hè chỉ được cho thuê khi đủ điều kiện và phần còn lại phải đảm bảo cho người đi bộ”, ông Cường nhấn mạnh.

Ông Bùi Xuân Cường cho biết, năm 2008, UBND TPHCM ban hành Quyết định 74/2008 về quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn. Đây là khung pháp lý quy định lòng đường nào được đậu xe; vỉa hè nào được dùng làm nơi giữ xe có thu phí, cho thuê kinh doanh, ai có thẩm quyền cho thuê, mẫu giấy phép cho thuê ra sao… “Như vậy, Quyết định 74 quy định điều kiện của các vỉa hè, lòng đường được phép sử dụng ngoài mục đích giao thông. Còn đề án mà Sở GTVT vừa trình là căn cứ để tính ra mức phí (dựa vào diện tích sử dụng vỉa hè, lòng đường) mà người dân, doanh nghiệp phải trả”, ông Cường giải thích.

Cũng theo ông Cường, trên cơ sở phân cấp quản lý vỉa hè, các địa phương sẽ xây dựng phương án quản lý, cho thuê và tổ chức thu phí. Ví dụ, quận 1 đã xây dựng đề án sử dụng xây dựng phố hàng rong để tạo điều kiện hỗ trợ địa điểm buôn bán trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm cho người bán hàng rong có hoàn cảnh khó khăn. “Các địa phương cũng phải chủ động có phương án khi cho kinh doanh, buôn bán hay giữ xe trên vỉa hè phải đảm bảo không gây ùn tắc giao thông, mất vệ sinh môi trường”, ông Cường nói.

Ai thu, phí quản lý ra sao?


Theo Sở GTVT, đề án thu phí vỉa hè đã được lấy ý kiến của các đơn vị liên quan, trong đó có các sở chuyên ngành là Sở Tư pháp (thẩm định về tính pháp lý), Sở Tài chính (thẩm định về các chỉ tiêu tài chính, cách thu…)… Trong phần góp ý của mình, Sở Tài chính chỉ đề cập làm rõ về các trường hợp miễn giảm thu lệ phí, tỷ lệ trích giữ lại và đồng tình với các nội dung quản lý phí, sử dụng nguồn thu. Cụ thể, đề án đề xuất giao Sở GTVT thu phí sử dụng tạm thời lòng đường theo phân cấp. UBND các quận, huyện và cấp tương đương thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè.

Ngoài ra, Sở GTVT đề nghị nộp toàn bộ 100% số thu vào ngân sách TPHCM. Chi phí thu sẽ được lập và cấp theo dự toán được duyệt hàng năm. Điều này nhằm đảm bảo công bằng vì nếu quy định tỷ lệ % để lại cho các đơn vị thì không phù hợp vì có nơi sẽ thu thấp, không đảm bảo chi phí tổ chức thu phí.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Mạnh (ngụ quận 5, TPHCM) băn khoăn: “Việc giao hẳn cho các quận, huyện thu phí sẽ phát sinh tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu và nếu không giám sát tốt sẽ nảy sinh tiêu cực. Vì vậy theo tôi, TPHCM nên giao cụ thể người chịu trách nhiệm, nên có một “tư lệnh” tổ chức thực hiện xuyên suốt từ TPHCM tới quận huyện, phường xã và thực hiện đồng bộ”. 

Ông Bùi Xuân Cường cho biết thêm, theo quy định hiện hành, UBND TPHCM đã phân cấp quản lý vỉa hè trên địa bàn cho UBND các quận huyện. Như vậy, các quận huyện được phân cấp quản lý thì được giao tổ chức cho thuê vỉa hè, tổ chức lực lượng thu phí luôn là phù hợp. “Phí cho thuê sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường là không mới. Từ năm 1991, UBND TPHCM đã quy định mức 12.000 đồng/m2/tháng song lâu nay không ai thu. Đến nay phí trên đã không còn phù hợp nên đề án này điều chỉnh cho hợp lý và cập nhập lại các căn cứ pháp lý. Mặc khác, việc Sở GTVT trình đề án thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường không nhằm mục tiêu tăng thu. “Vỉa hè muốn duy trì bền vững phải có các hoạt động trên đấy và có nguồn thu phải đảm bảo việc duy tu, sửa chữa và quản lý. Việc các địa phương thu phí thì cũng gắn liền với trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ, duy tu; đồng thời đảm bảo công khai minh bạch trong việc quản lý nguồn thu, tránh tình trạng tiêu cực, lãng phí như hiện nay”, ông Bùi Xuân Cường nói.
Thu phí vỉa hè hơn 200 tỷ đồng/năm?

Sở GTVT đang lấy ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo sửa đổi Quyết định 74/2008 về quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè. Một trong những điểm quan trọng là dự thảo quyết định nêu ra các điều kiện khung về bề rộng của lòng đường, vỉa hè tối thiểu mới được phép sử dụng ngoài mục đích khác, thay vì liệt kê cụ thể từng tuyến đường được phép sử dụng một phần vỉa hè để giữ xe, cho kinh doanh hay danh mục các tuyến đường được kẻ vạch cho đỗ xe dưới lòng đường để thu phí.

Năm 2009, liên Sở GTVT và Tài chính đã tính toán nếu cho thuê vỉa hè, lòng đường thì hàng năm TPHCM thu khoảng 175 tỷ đồng. Thời điểm đó mức thu phí đề xuất khá thấp (có địa phương cho thuê chỉ 5.000 đồng/m2/tháng, trong khi đề án lần này, mức phí thấp nhất đã là 20.000 đồng/m2/tháng. Tuy Quyết định 74/2008 đang được sửa đổi theo hướng thu hẹp số tuyến đường được đậu xe dưới lòng đường, số vỉa hè được cho thuê song mức thu lại tăng lên nhiều lần. Vì thế, khi cho thuê vỉa hè, lòng đường thì doanh thu mỗi năm phải trên 200 tỷ đồng.

Các nước phát triển vẫn có kinh tế vỉa hè

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, kinh tế vỉa hè đã có ở nhiều quốc gia phát triển. Ví dụ, Singapore có hàng quán vỉa hè, các khu ẩm thực đường phố hay bán hàng lưu niệm; quảng trường thời đại New York nổi tiếng xe đẩy bán hotdog; Paris có các quán cà phê vỉa hè; Washington DC, Bangkok... Phần lớn các quốc gia này đều minh bạch trong việc thu phí vỉa hè, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh công cộng, đảm bảo được mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, hiện nay TPHCM chưa quản lý tốt hoạt động kinh tế vỉa hè. Theo đó, TPHCM thiếu quy hoạch tụ điểm bán buôn vỉa hè, chưa minh bạch việc thu phí nên có hiện tượng tiêu cực trong quản lý, chưa kiểm soát tốt dẫn đến mất vệ sinh nơi công cộng, thiếu an toàn vệ thực phẩm, mất mỹ quan đô thị… Hệ quả, hoạt động kinh tế vỉa hè thiếu văn minh. Để việc thu phí vỉa hè được hiệu quả, công tác quản lý cần được thực hiện bài bản. Trong quy hoạch tụ điểm bán buôn trên vỉa hè cần nhất là lựa chọn điểm mà nhu cầu lớn như gần trường đại học, chợ truyền thống, công sở… nhằm bảo bảo rằng buôn bán ở đây sẽ thuận lợi hơn những nơi khác thì người ta sẽ tập trung vào đây. Nơi nào muốn hạn chế kinh doanh trên vỉa hè thì áp mức phí cao hơn.

Cạnh đó, khi cho thuê vỉa hè thì phải có chỉ giới để còn dành đường cho người đi bộ. Về phía cán bộ quản lý vỉa hè thì phải thường xuyên luân chuyển để tránh các hiện tượng tiêu cực, tránh các mối quan hệ tiêu cực giữa công chức với người bán, thiếu công bằng giữa những người bán.

Phải chừa ít nhất 1,5m vỉa hè cho người đi bộ

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam phân tích: “Theo Điều 36 Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) thì lòng đường, hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Trường hợp đặc biệt, một phần lòng đường, hè phố có thể được sử dụng tạm thời vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông”.

Nghị định 100/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nêu cụ thể hơn: khi sử dụng hè phố cho mục đích ngoài giao thông thì phải đảm bảo phần còn lại dành cho người đi bộ ít nhất là 1,5m.

Như vậy, TPHCM muốn sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để làm bãi đậu xe, kinh doanh ẩm thực, chợ đêm và một số hoạt động dịch vụ khác thì phải có quyết định của UBND TPHCM. Ngoài ra, để thực hiện đề án này, luật sư Hậu cho rằng cần phải xây dựng quy chế quản lý, sử dụng vỉa hè và phải có biện pháp đảm bảo “không ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông”; xác định quyền và nghĩa vụ của những người thuê vỉa hè để kinh doanh, đặc biệt là vấn đề vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm được giải quyết như thế nào. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý thu - nộp ngân sách Nhà nước cũng cần rõ ràng, đúng quy định, tránh để xảy ra trường hợp nhập nhằng, tiêu cực gây thất thu tiền thu phí. 
ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục