Ở vào thời buổi mà ca sĩ xuất hiện nhiều như hiện nay thì việc những ca sĩ hơi có tên tuổi muốn làm “mới” và “sang” trong những “live show” của mình là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, hầu hết những chương trình có kết hợp với dàn nhạc giao hưởng - thính phòng (DNGH-TP) qua nhiều tác phẩm được gọi là “kinh điển” thì các ca sĩ đều thể hiện chưa tới về kỹ thuật và phong cách mặc dù họ cũng hát những trích đoạn nọ kia từ các vở nhạc kịch nổi tiếng.
Có một điều cơ bản mà họ quên rằng, để có thể trở thành ca sĩ hát nhạc kịch (opéra) của dòng nhạc hàn lâm thì phải được học qua trường lớp, phải có quá trình khổ luyện cả về kiến thức và diễn xuất chứ không đơn giản chỉ là hát cover lại những trích đoạn nổi tiếng là thành ca sĩ của dòng nhạc này. Với sự phát triển đến chóng mặt của công nghệ thông tin, việc cập nhật và “bắt chước” lại càng dễ dàng khiến nhiều ca sĩ ngộ nhận về mình. Tiếc thay!
Tôi không phản đối về ý tưởng đưa nhạc hàn lâm đến với công chúng, cũng không phủ nhận sự đam mê nghệ thuật hợp xướng của nhạc sĩ Vũ Đình Ân trong việc đã bỏ nhiều công sức cho các tác phẩm đồ sộ như “Truyện Kiều” và “Lục Vân Tiên”. Thế nhưng, việc quảng bá và thực hiện nếu không khéo sẽ là con dao hai lưỡi, tác dụng ngược lại ý tưởng ban đầu và là sự tự đào thải nhanh nhất trong nghệ thuật.
Điểm lại thời gian vừa qua, có hai chương trình được đầu tư công phu là chương trình ra mắt tác phẩm hợp xướng Lục Vân Tiên của nhạc sĩ Vũ Đình Ân và live show Màu tình yêu do Công ty TNHH Suối Việt tổ chức, nhạc sĩ Nguyễn Bách chỉ đạo nghệ thuật. Cả hai chương trình này đều được PR rầm rộ trên các mặt báo. Nhưng khi chương trình diễn ra, thì cả hai đều tạo một nỗi thất vọng lớn cho những ai có tâm làm nghề, đặc biệt là cho những khán giả bước đầu làm quen với thể loại này, vì cả hai chương trình trên đều sử dụng “kỹ thuật hát nhép và đàn nhái”.
Trong đêm công diễn tác phẩm Lục Vân Tiên, chính vì mọi thứ đều “nhép- nhái” nên từ diễn viên đến nhạc trưởng đều lừ đừ, thất thần. Có khán giả đã phải thốt lên: “Ô, hợp xướng đông thế kia mà hát nhép hèn gì mà chẳng có hồn gì cả!”. Chưa hết, chương trình Màu tình yêu được tổ chức tại khán phòng Nhạc viện TPHCM đêm 18 và 19-9-2009 vừa qua, đêm thứ nhất khán giả không chỉ bị khó chịu bởi phần nhạc nền thu sẵn và hát nhép mà còn phải chứng kiến những khoảng trống trên sân khấu do máy móc trục trặc, rồi cũng vì “nhép” nên diễn viên phải đứng “tạo dáng” hơi lâu mỗi khi chuyển tiết mục, còn nhạc công solo chưa yên vị mà nhạc nền đã nổi lên, gây bao sượng sùng!? Những giọng ca được lăng xê trong chương trình, dù đã được thu mix cẩn thận vẫn bị chìm nghỉm khi những giọng ca thật của NSND Trần Hiếu, NSƯT Tạ Minh Tâm (ở đêm đầu), ca sĩ Ngọc Tuyền và ca sĩ Triệu Yên xuất hiện (ở đêm sau), những vị khách mời này đã nhận được sự tán dương nồng nhiệt của khán giả.
Thế mới thấy, khán giả rất nhạy với hàng thật và hàng giả. Hy vọng những người thực hiện hai chương trình nêu trên cần ý thức được điều này và phải hiểu rằng không thể hời hợt, dễ dãi khi thực hiện một chương trình mang tính hàn lâm một khi thực lực chưa đủ. Suy cho cùng, Cervantes đã đúng khi cho rằng: “Không phải những gì lấp lánh đều là vàng”(!)
ĐAN VI