Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, sáng 22-5, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế (TTQT).
Tờ trình cũng cho rằng, pháp luật hiện hành chưa quy định về việc ký kết TTQT (văn bản hợp tác quốc tế) của đơn vị trực thuộc. Thực tế, một số đơn vị trực thuộc bộ ngành, UBND cấp tỉnh thành đã ký kết nhiều văn bản hợp tác để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cụ thể, đáp ứng yêu cầu hợp tác, hội nhập quốc tế.
Thực tế ký kết TTQT ở cấp đơn vị trực thuộc là khá phổ biến và dự kiến, trong tương lai số lượng văn bản loại này sẽ còn được ký kết nhiều hơn nữa, nhất là trong bối cảnh nhu cầu hợp tác, hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng tăng cao. Trong khi đó, khung pháp luật hiện hành vẫn còn để ngỏ, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh về thủ tục ký kết đối với TTQT loại này. Điều này dẫn đến sự lúng túng của các đơn vị trực thuộc của các cơ quan, tổ chức trong quá trình ký kết các TTQT vì không biết phải tuân theo quy trình nào, có phải xin ý kiến của trung ương không.
Thực tế trong thời gian vừa qua đã phát sinh một số vụ tranh chấp đầu tư giữa Nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài. Các tranh chấp này có thể phát sinh do cam kết của các địa phương đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong các TTQT được ký kết. Để tăng cường quản lý đối với TTQT về đầu tư, cần có quy định chặt chẽ hơn đối với các TTQT liên quan đến đầu tư.
Dự thảo Luật TTQT gồm 7 chương, 53 điều. Luật không điều chỉnh việc ký kết và thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; thỏa thuận về cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; thỏa thuận về viện trợ phi chính phủ nước ngoài; hợp đồng theo Bộ luật Dân sự; hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Dự thảo Luật quy định “TTQT là cam kết bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài, không làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế”.
Cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh thành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, cơ quan trung ương của tổ chức, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức không được ký kết TTQT ràng buộc Nhà nước, Chính phủ Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức Việt Nam không ký kết TTQT đó. Quy định này được hiểu là TTQT chỉ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên ký kết.
Về thủ tục đối với TTQT liên quan đến an ninh, quốc phòng, đầu tư, so với Pháp lệnh 2007, Luật bổ sung điều mới quy định về TTQT liên quan đến an ninh, quốc phòng, đầu tư, theo đó, cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức, ngoài việc tuân theo thủ tục chung còn có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Kế hoạch - Đầu tư trước khi trình cơ quan có thẩm quyền quyết định việc ký kết TTQT.
Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Đối ngoại cho rằng, việc mở rộng chủ thể ký kết TTQT đến UBND cấp huyện và UBND cấp xã cần được cân nhắc thận trọng do hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu và chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định, do đó không phải cơ quan, tổ chức nào cũng được trao quyền ký kết TTQT.
Nhiều ý kiến cho rằng không nên phân cấp cho nhiều chủ thể ký kết TTQT dễ dẫn đến sự thiếu thống nhất giữa các địa phương, nhất là giữa các địa phương có chung đường biên giới với cùng một quốc gia như ở Việt Nam.