Không oan nhưng cần giảm sai

Cho ý kiến về báo cáo thẩm tra các báo cáo trong lĩnh vực tư pháp tại phiên họp của UBTVQH sáng 13-9, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định, điều rất đáng mừng là trong kỳ báo cáo không có án oan, nhưng vẫn còn sai, cần tiếp tục nỗ lực giảm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Trước đó, thẩm tra báo cáo của Chánh án TAND Tối cao về công tác của các tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, số lượng vụ án thụ lý tăng so với cùng kỳ năm trước. Các tòa án đã xét xử đạt 85,28%. Hình phạt các Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh. Tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội; đã hạn chế các bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội…

Tuy nhiên, tỷ lệ xét xử các vụ án hình sự chưa đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết 96. Một số trường hợp kết án sai tội danh, xử phạt chưa đúng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.

TRẦN QUANG PHƯƠNG.jpg
Phó Chủ tịch Trần Quang Phương phát biểu

Lo ngại vì một số loại tội phạm nghiêm trọng vẫn có xu hướng tăng, Phó Chủ tịch Trần Quang Phương phân tích: “Tội phạm có tổ chức tăng. Lừa đảo chiếm đoạt tăng. Số vụ tham ô tài sản tăng do chúng ta đấu tranh chống tham nhũng quyết liệt. Việc các loại tội phạm nghiêm trọng khác tăng rất đáng quan ngại”.

Không hoàn toàn đồng tình với Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới khi ông Tới cho rằng tỷ lệ xử lý án “tuy chưa đạt chỉ tiêu, nhưng đã là rất cao”, Phó Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn: “Đã là chỉ tiêu pháp lệnh, chưa phù hợp thì điều chỉnh; có thể tăng, có thể giảm, nhưng chưa đạt là chưa đạt”.

Bày tỏ quan tâm đến án hành chính, ông Trần Quang Phương lưu ý: “Kết quả thi hành án hành chính hiện mới chỉ đạt 38,02%; số vụ án hành chính còn tồn đọng qua các năm có xu hướng ngày càng tăng, nhiều trường hợp người phải thi hành án hành chính là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước không tự nguyện thi hành, dẫn đến tòa án phải ra quyết định buộc thi hành án. Cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với các hành vi này”.

Chính phủ dự 13.jpg
Thành viên Chính phủ và cơ quan tư pháp dự họp

Từ thực tiễn giám sát ở các địa phương vùng cao, nơi điều kiện sống của người dân hết sức khó khăn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trăn trở: “Hình phạt đối với tội vận chuyển ma túy của ta hiện nay rất nặng, nhưng người dân một số vùng biên giới nghèo quá, hiểu biết lại hạn chế, một số người bị lừa, phải mang án tử, cũng xót xa lắm”. Ông đề nghị xem xét thêm tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với loại tội này.

NGUYỄN PHƯƠNG THUỶ .jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy sốt ruột vì sự chậm trễ trong xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng

Chỉ ra rằng tỷ lệ giải quyết án hình sự, dân sự giảm so với năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cùng quan điểm với Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương về việc nếu thấy bất hợp lý thì cần điều chỉnh chỉ tiêu. Nguyên nhân “pháp luật có bất cập”, theo bà, cũng cần được làm rõ, vì gần đây có nhiều đạo luật được sửa đổi, bổ sung; nếu không rà soát kỹ, lại căn cứ vào những đạo luật "cũ" để đề xuất sửa đổi lẻ tẻ. Bà Thủy cũng tỏ ra sốt ruột vì sự chậm trễ trong xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan…

Cho rằng thời điểm thống kê có ý nghĩa quan trọng trong đánh giá sát thực tình hình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị xem xét quy định lại vấn đề này trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. “Hiện nay, số liệu kinh tế xã hội cũng chỉ tính 8-9 tháng của năm đang bàn, sau đó mới báo cáo bổ sung, tức là đi thống kê thêm lần nữa, vừa mất thêm công sức, vừa khó có bức tranh xác thực”, ông nói.

Tin cùng chuyên mục