Không ngừng đổi mới công tác thi đua

75 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn vang vọng, có sức hiệu triệu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chung sức, chung lòng thực hiện khát vọng lớn lao của dân tộc.
Thủ tướng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước tuyên dương các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước tuyên dương các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước. Ảnh: VIẾT CHUNG

Lời kêu gọi thi đua của Bác Hồ thực sự trở thành động lực đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nội dung tư tưởng, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về lời kêu gọi thi đua yêu nước của Bác vẫn là tư tưởng dẫn đường cho hành trình đi tới.

Theo quan điểm của Bác, thi đua là một trong những biện pháp vận động cách mạng, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, nêu cao tinh thần yêu nước, hướng tới mục đích chung. Mục đích thi đua yêu nước là thực hiện tốt nhiệm vụ của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình, điều kiện lịch sử cụ thể. Bác kêu gọi mọi người cùng thi đua, “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Bác chỉ rõ, nội dung thi đua yêu nước là phải toàn diện, xuất phát và phục vụ nhiệm vụ chính trị, thiết thực ở tất cả các lĩnh vực hướng vào cải tạo xây dựng con người, giải quyết những vấn đề cơ bản, thiết thực của người dân, gắn với công việc hàng ngày của mỗi người. Cách tổ chức phong trào thi đua yêu nước là dựa vào dân, tinh thần của dân để mang lại hạnh phúc cho dân. Phương châm của thi đua yêu nước là phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, “Thi đua chứ không phải ganh đua”.

Theo Bác, thi đua gắn liền với công tác khen thưởng, khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua. Khen thưởng phải đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.

Phấn đấu theo tinh thần thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của Bác, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đoàn kết cùng nhau đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đạt được những thành tựu to lớn.

Âm vang của phong trào thi đua yêu nước của một thời hào hùng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Ba sẵn sàng”, “Trống Bắc Lý”, “Gió Đại Phong”, “Năm xung phong”… như vẫn còn đây. Các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của thời kỳ đổi mới như vẫn đang thúc giục. Các phong trào trong “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ công chức, viên chức thực hiện văn hóa công sở”, “Vì an ninh Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”, các phong trào của các đoàn thể như “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Thanh niên tình nguyện”, “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”… đã và đang góp phần tạo nên giá trị vật chất, tinh thần, thúc đẩy phát triển mọi mặt của đời sống xã hội trong thời kỳ mới.

Hiện nay, phong trào thi đua yêu nước của TPHCM gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TPHCM, đặc biệt là thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với nhiều công trình nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Trong đó, có công trình xây dựng, sửa chữa 500 căn nhà tình nghĩa, tình thương cho gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM thực hiện.

Phong trào thi đua thu hút sự tham gia của nhiều ngành, nhiều giới, các tầng lớp nhân dân với nội dung, tiêu chí cụ thể, thiết thực, không chạy theo thành tích, có sơ kết, tổng kết, phát hiện và nhân rộng mô hình, điển hình là việc đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác thi đua khen thưởng.

Thi đua khen thưởng phải công khai, minh bạch nhằm tạo nên hiệu ứng tích cực. Các tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu cho tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung. Có quan tâm khen thưởng thường xuyên, đột xuất cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cho người dân có những việc làm bình dị mà cao cả… nhiều hơn nữa.

Việc chia cụm thi đua sao cho phù hợp, thang điểm thi đua sao cho sát với công việc, chấm thi đua sao cho khách quan, công bằng; xét thi đua, khen thưởng sao cho không hình thức, không bị hành chính hóa và nhất là không bị nhầm địa chỉ… mới giúp cho những giá trị đích thực được nhân lên trong đời sống xã hội.

Cần hết sức lắng nghe và không ngừng đổi mới công tác thi đua khen thưởng để mọi cố gắng vươn lên luôn được trân trọng và phát huy; phong trào thi đua luôn được tiếp sức; những nhân tố mới, những mô hình, giải pháp sáng tạo được nhân rộng, đóng góp có ý nghĩa cho kiến tạo và phát triển.

Tin cùng chuyên mục