Trước đó không lâu, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Singapore Lioncore Industries PTE., LTD (100% vốn Singapore) để thực hiện dự án Nhà máy Lioncore Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư 698 tỷ đồng, tương đương khoảng 30 triệu USD. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút mới được 2 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 40 triệu USD và đang hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đầu tư một số dự án mới khác, trị giá hàng chục triệu USD. Dự kiến, trong quý 1 tổng vốn thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh đạt khoảng 6.000 tỷ đồng.
Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cũng vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản) để đầu tư dự án Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujikin Đà Nẵng với tổng vốn khoảng 35 triệu USD, nâng tổng vốn FDI thu hút được từ đầu năm 2021 đến nay đạt 145 triệu USD. Đồng Nai cũng khởi đầu năm 2021 khá thuận lợi với việc cấp phép 2 dự án FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, là dự án của Công ty TNHH Platel Vina (Hàn Quốc), vốn đăng ký 30 triệu USD và dự án của Công ty TNHH Ojitex Việt Nam (Nhật Bản), vốn đăng ký 60 triệu USD.
Tuy tháng 2 có khởi đầu khá hứa hẹn, nhưng cũng cần thấy rằng trong tháng 1 vừa qua, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt gần 2,02 tỷ USD, bằng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Trái với dự đoán, trong năm 2020, Trung Quốc vẫn đứng đầu thế giới về thu hút FDI, đạt mức 163 tỷ USD (tăng 4% so với năm trước), vượt Mỹ trong bảng xếp hạng các quốc gia nhận nhiều FDI nhất. Có thể thấy rằng, vốn FDI không chuyển ngay ra khỏi Trung Quốc mà chỉ tái cơ cấu theo hướng “Trung Quốc +1”. Trung Quốc vẫn đang có những lợi thế vượt trội so với các nước đang phát triển. Mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng tại Trung Quốc có tính gắn kết, phụ thuộc rất cao, nên nếu dịch chuyển sản xuất, nhà đầu tư có thể phải tính toán đến chi phí cơ hội. Trung Quốc cũng có những chính sách hấp dẫn và sẵn sàng điều chỉnh linh hoạt để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi, theo các nhà nghiên cứu, Việt Nam chưa có thêm những chuyển biến đáng kể trong việc hoàn thiện chính sách công nghiệp/ngành theo hướng tập trung hơn cho giai đoạn mới. Nhận thức về tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam gắn với nâng cao khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế còn có những điểm khác biệt với thông lệ thế giới, trong khi còn thiếu những nghiên cứu đủ thấu đáo về chủ đề này. Việc theo dõi, đánh giá diễn biến và tác động vĩ mô, vi mô của dòng vốn FDI vẫn còn nhiều nội dung phải cải thiện để ứng xử hiệu quả nhất với dòng vốn này.
Dù nhiều tổ chức phân tích kinh tế nhận định Việt Nam sẽ trở thành “thiên đường sản xuất mới” ở Đông Nam Á, nhưng cuộc cạnh tranh thu hút FDI sẽ ngày càng gay gắt hơn. Điều đó cho thấy, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa để tiếp tục thu hút, đón các dòng vốn đầu tư mới, không ngủ quên với danh xưng “thiên đường sản xuất mới”.