Không nên tiếp tục phó mặc người dân giao dịch bất động sản với duy nhất lòng tin

ĐB Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) phát biểu: “Chúng ta không nên tiếp tục phó mặc người dân bước vào những giao dịch này với hành trang duy nhất là lòng tin vào sự tử tế của doanh nghiệp bất động sản".

Sáng 29-8 hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi (dự thảo).

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Lưu ý đến hiệu lực pháp lý của hợp đồng giao dịch trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đại biểu Quốc hội (ĐB) Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho rằng, hợp đồng mua bán bất động sản giữa doanh nghiệp bất động sản với người dân mà không yêu cầu công chứng là “không hợp lý”.

“Quá trình chuyển quyền sở hữu bất động sản là quá trình cần phải được quản lý chặt chẽ, bởi lẽ quy định này rất cần thiết cho lợi ích công cộng, ổn định xã hội và người dân, với yêu cầu quyền sở hữu đã xác định rõ ràng, thực thi với chi phí thấp”, ĐB Hoàn nhấn mạnh.

Theo ĐB, cơ chế ký mua bán hoàn toàn riêng tư, không có một tổ chức trung gian kiểm soát như tổ chức công chứng đã cho thấy nhiều bất cập thời gian qua. Thực tế đã có hàng nghìn người dân đã bị một số doanh nghiệp lừa đảo với nhiều vụ tranh chấp đã xảy ra. Tranh chấp về các giao dịch gian lận này thực sự tốn thời gian, tiền bạc, và có thể dẫn đến người mua không được hoàn trả lại số tiền đã thanh toán, làm nhiều người dân phải gánh một khoản nợ không nhỏ, dẫn đến sự suy sụp của nhiều gia đình.

Với hầu hết cá nhân, giao dịch mua nhà ở không thường xuyên diễn ra, do sự phức tạp và không thường xuyên của giao dịch như vậy, nên sự hiểu biết của cá nhân người dân về cách thực hiện giao dịch một cách tốt nhất thường bị hạn chế.

ĐB Lê Thanh Hoàn phát biểu: “Chúng ta không nên tiếp tục phó mặc người dân bước vào những giao dịch này với hành trang duy nhất là lòng tin vào sự tử tế của doanh nghiệp bất động sản. Vì vậy, cần một chuyên gia là công chứng viên là bên thứ 3 phù hợp để tham gia kiểm soát hoạt động này trên cơ sở thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật”.

ĐB Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa)

ĐB Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa)

Về giao dịch bất động sản thông qua sàn, ĐB Hoàn tán thành và đánh giá cao chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này. Theo đó, dự thảo đã bỏ quy định bắt buộc phải giao dịch bất động sản thông qua sàn. Mặc dù vậy,

ĐB nhận xét, vừa qua, cũng đã có nhiều doanh nghiệp bất động sản bán hàng minh bạch thông qua giá niêm yết công khai, tổ chức các buổi bán hàng trực tiếp, đặc biệt là tổ chức bán đấu giá công khai, không hạn chế người tham gia.

“Đây là giải pháp rất đáng được nghiên cứu để quy định trong luật, để vừa kiểm soát được giá giao dịch, tránh thất thu thuế, vừa hình thành cơ sở dữ liệu đầu vào của giá thị trường bất động sản”, ĐB Hoàn phát biểu.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Cùng quan điểm, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình với giải trình của Ủy ban Thường vụ và Ủy ban Kinh tế về giao dịch bất động sản qua sàn. Ông nói: “Thời gian qua sàn bất động sản chủ yếu môi giới, giới thiệu cho khách hàng mua; chẳng qua là trung gian mục đích là kinh doanh, mang lại lợi ích, không đảm bảo tính công khai, minh bạch và năng lực của sàn giao dịch. Bỏ quy định giao dịch qua sàn là rất cần thiết. Nhà nước chỉ khuyến khích cá nhân giao dịch qua sàn. Khuyến khích là rất cần thiết chứ không nên bắt buộc”.

Tuy đồng tình với việc không bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản trong thời điểm hiện nay, song ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) đề nghị có lộ trình hướng đến việc yêu cầu tất cả các giao dịch qua sàn để đảm bảo tính chuyên nghiệp, minh bạch giữa các bên.

Một quy định đáng lưu ý khác của dự thảo được các ĐB quan tâm góp ý liên quan đến việc đặt cọc nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), cần quy định bắt buộc đặt cọc, số tiền đặt cọc tối đa, thời điểm đặt cọc như tại dự thảo luật.

“Thực tế, tình trạng đặt cọc mua nhà trên giấy rất lộn xộn do chưa có căn cứ pháp lý. Chủ đầu tư dự án chiếm dụng vốn của người mua, có dự án chưa có căn cứ pháp lý triển khai đã huy động tiền đặt cọc người mua, có dự án huy động 30%-50% tổng giá trị công trình. Tới khi dự án không đủ căn cứ pháp lý triển khai thì người mua bị mất tiền oan. Dự án không triển khai được, nhưng trả tiền cọc cho người mua nhỏ giọt. Như vậy, khoản tiền lớn của người mua bị chiếm dụng trong thời gian dài”, nữ ĐB phân tích.

Hiện giá nhà ở còn cao so với thu nhập người dân, nếu không quy định rõ ràng tỷ lệ đặt cọc khi mua nhà trên giấy thì khi rủi ro xảy ra người mua bị mất khoản tiền rất lớn. Và thực tế đã có nhiều người rơi vào cảnh khốn cùng vì mua phải dự án “ma”.

Tin cùng chuyên mục