Sáng 16-6, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2017.
Báo cáo đưa ra hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2017 và một số thảo luận chi tiết về các chính sách ngắn hạn đang được áp dụng hiện nay.
Theo VEPR, kết quả dự báo cho thấy mức tăng trưởng 6,7% là có thể đạt được với quyết tâm như hiện nay của Chính phủ, nhưng điều này đặt ra một vấn đề liệu tốc độ tăng trưởng như vậy có bền vững hay không. Trong kịch bản tăng trưởng 6,7%, lạm phát cả năm được dự báo khoảng 3,2%.
Trong kịch bản nền kinh tế tăng trưởng "tự nhiên" hơn, thì mức tăng GDP được dự báo khoảng 6,37% và lạm phát cả năm là 2,35%.
Tại buổi công bố, Viện trưởng VEPR, TS Nguyễn Đức Thành, Chủ biên báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2017 lưu ý, cần thận trọng với tâm lý đạt mục tiêu tăng trưởng cao bằng mọi giá, dẫn tới nới lỏng ổn định vĩ mô và trì hoãn cải cách.
“Thứ nhất, dấu hiệu phụ thuộc vào khu vực FDI trong hoạt động xuất khẩu ngày càng rõ rệt. Khu vực sản xuất trong nước ngày càng trở nên yếu thế hơn trong quá trình hội nhập quốc tế đang mở rộng. Thứ hai, ngân sách và nợ công vẫn là nguy cơ tạo nên các bất lợi vĩ mô của Việt Nam. Thứ ba, tỉ trọng chi cho đầu tư phát triển có xu hướng giảm. Thu ngân sách chỉ đủ cho các khoản chi thường xuyên, vốn vẫn đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian qua. Thứ tư, FED tăng lãi suất và chính sách kinh tế của Tổng thống Trump có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam”, TS Thành phân tích.
Từ đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị cơ quan hoạch định chính sách cẩn trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, đặc biệt, cần chặt chẽ và độc lập trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2017, giữ vững mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Chính phủ cần thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên, tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng tinh giản, đồng thời nên cắt bỏ những khoản hỗ trợ dành cho các hoạt động nhờ vào ngân sách nhà nước như khu vực hội, đoàn thể.