Cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) tại phiên họp của Quốc hội sáng 26-5, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thủy quan tâm đến quy định tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh (chỉ trừ cá nhân hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh) đều phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng.
Theo ĐB, quy định này chỉ nên áp dụng đối với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, những ngành hàng lớn, có diện tác động rộng rãi.
ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) |
Đáng lưu ý, liên quan đến việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn tại Tòa án, Điều 70 dự thảo quy định, một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn là giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu đồng.
Theo ĐB, đây là quy định không phù hợp với thực tế và chưa đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
“Trong lĩnh vực tư pháp, tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp lớn hay nhỏ mà phụ thuộc vào tình tiết chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không”, ĐB Nguyễn Thị Thủy nêu rõ.
Có cùng quan điểm về giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) có tới 2 lần phát biểu tại hội trường. ĐB này đề nghị Ban soạn thảo bỏ điều kiện khống chế để có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự đối với các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên.
Theo ĐB Lê Xuân Thân, mục tiêu đặt ra của dự án luật này là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1, điều 317, Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, trong Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng không quy định điều kiện hạn chế áp dụng thủ tục rút gọn như đối với các giao dịch trên hay dưới 100 triệu đồng. Do đó, ĐB Lê Xuân Thân đề nghị bỏ điều kiện khống chế này trong dự thảo Luật.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) |
Bày tỏ quan tâm đến quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh phải hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng khi hết thời hạn lưu trữ, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) đề nghị bổ sung quy định về thời hạn lưu trữ hoặc dẫn chiếu quy định pháp luật khác có liên quan đến thời hạn lưu trữ này để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, tránh phát sinh khiếu nại.
Bên cạnh đó, đối với quy định về công bố, công khai thông tin cảnh báo về danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng về hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xử lý tại điều 40, ĐB nhận xét, dự thảo Luật mới chỉ quy định về việc công bố thông tin mà không quy định về việc gỡ bỏ thông tin đã công bố là chưa phù hợp.
Theo ĐB, cần có quy định trong luật về việc các tổ chức, cá nhân kinh doanh có vi phạm, bị xử lý nếu đã nghiêm túc khắc phục thì sẽ được gỡ bỏ thông tin đã công bố, như một hình thức xóa “án tích”.
Hơn nữa, dự thảo Luật mới chỉ giới hạn ở việc công khai thông tin cảnh báo về danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có vi phạm, còn các vi phạm trong các hình thức bán hàng khác (bán hàng trực tiếp, cung cấp dịch vụ liên tục…) vẫn chưa được đề cập.