Không nên nóng vội "luật hóa"

Nhiều ý kiến cho rằng không nên nóng vội luật hóa một vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn, có thể gây vướng mắc nhưng chỉ trong 1 giai đoạn, phạm vi nhất định, trong khi các quan hệ xã hội vẫn còn đang vận động.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra

Tiếp tục phiên họp sáng 12-9, UBTVQH cho ý kiến về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhận định, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết năm 2024 thể hiện tính kịp thời, tập trung, có nhiều đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp và nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện. Chính phủ đã hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ lập pháp cơ bản bảo đảm tiến độ, không có tình trạng xin rút các dự án đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

QC 1.jpg
Quang cảnh phiên họp

Việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết được Chính phủ tăng cường chỉ đạo triển khai và áp dụng nhiều giải pháp mới hiệu quả, chủ động, khẩn trương hơn ngay từ khâu lập danh mục, phân công soạn thảo, triển khai thi hành đến theo dõi, đôn đốc, kiểm tra. Kết quả đạt được tích cực hơn so với các năm trước.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, số lượng dự án luật, dự thảo nghị quyết phải trình ở từng kỳ họp Quốc hội rất lớn, nhưng chưa bảo đảm sự cân đối giữa các lĩnh vực; nhiều dự án được bổ sung vào chương trình sát thời điểm tổ chức kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hoặc quy định không rõ ràng, cụ thể, thậm chí cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật. Số lượng văn bản quy định chi tiết nợ mới phát sinh nhiều, văn bản nợ đọng kéo dài chưa được khắc phục triệt để”, người đứng đầu Ủy ban Pháp luật nhận định.

MẪN.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn góp ý về xây dựng pháp luật

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý, việc xử lý nhiều văn bản có nội dung trái pháp luật đã được Bộ Tư pháp kết luận, kiến nghị xử lý trong kỳ báo cáo còn chậm, chưa kịp thời, dứt điểm. “Vẫn còn tới 58/138 văn bản trái pháp luật chưa được xử lý, đề nghị Chính phủ làm rõ lý do”, bà Lê Thị Nga dẫn chứng cụ thể. Bên cạnh đó, bà cũng đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể về số lượng cán bộ làm công tác pháp chế (theo báo cáo của Chính phủ là hơn 7.000 người) đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa?

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phản ánh, việc phân bổ thời gian xây dựng, thẩm tra pháp luật vẫn còn bất hợp lý; nhiều khi “quá tải”, khó đảm bảo chất lượng xây dựng, giải trình, tiếp thu pháp luật. Ông cũng cho rằng không nên nóng vội trong luật hóa một vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn, có thể gây vướng mắc, nhưng chỉ trong 1 giai đoạn, phạm vi nhất định, trong khi các quan hệ xã hội vẫn còn đang vận động.

Góp ý về lĩnh vực này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường vai trò “gác cửa” kiểm soát kiểm tra, phòng tránh hiện tượng lồng ghép lợi ích nhóm, cục bộ vào văn bản quy phạm pháp luật. “Không chỉ các bộ, ngành mà cả các tỉnh thành cũng cần phải chú trọng đến việc ban hành kịp thời hướng dẫn thi hành pháp luật”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tới đây Ủy ban Pháp luật sẽ chủ trì diễn đàn về xây dựng pháp luật và hy vọng thông qua diễn đàn, chất lượng xây dựng pháp luật sẽ có bước cải thiện quan trọng.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị xem xét lại khái niệm “nợ đọng” văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật.

“Đòi hỏi tất cả các văn bản hướng dẫn đều có hiệu lực đồng thời với luật là không khả thi. Đời sống của luật rất lâu dài, có thể trong quá trình thi hành thấy phát sinh nhiều vấn đề cần hướng dẫn thêm, cho nên không phải cứ thiếu coi là nợ", Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Đồng tình với ý kiến cho rằng không nên vội vã luật hóa nhiều vấn đề còn đang vận động vì dễ dẫn đến tình trạng luật không còn phù hợp với thực tế, ông Nguyễn Khắc Định nói: “Có luật trong 5 năm phải sửa 5 lần là vì thế”.

Tin cùng chuyên mục