Cũng theo TS Nguyễn Xuân Anh, hiện nay các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang tìm câu trả lời về nguyên nhân chính xác của việc này, song, hiện tượng Trái đất quay nhanh hơn bình thường không phải là do tương tác của các hành tinh trong hệ Mặt trời, của lực vạn vật hấp dẫn có sự thay đổi, mà có thể do các yếu tố nội tại của Trái đất gây ra, như: thay đổi áp suất khí quyển, biến đổi khí hậu, nhiệt độ gây tan chảy băng ở Bắc cực, nước biển dâng khiến hệ thống sông ngòi cũng thay đổi dòng chảy, sự biến động của thủy triều… Những yếu tố này khiến cho Trái đất không còn vận động theo quy tắc, quán tính cũ.
“Sự phân bổ của các khối lượng khác nhau trên bề mặt vỏ Trái đất sẽ khiến Trái đất quay nhanh hơn hoặc chậm hơn”, TS Nguyễn Xuân Anh nói.
Về nghi ngờ đập Tam Hiệp ở Trung Quốc xả xuống lượng nước quá lớn gây mất cân bằng trọng lực cho Trái đất, TS Nguyễn Xuân Anh cho rằng, cũng không loại trừ, song những nguyên nhân này là rất nhỏ.
Theo Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, hiện tượng Trái đất quay nhanh hơn mà các nhà khoa học đang chỉ ra vẫn còn ở mức rất nhỏ (chỉ đồng hồ nguyên tử mới đo được) nên không gây ảnh hưởng tới quy luật mùa màng, thời tiết trên Trái đất, cũng như không làm Trái đất nóng lên hoặc gia tăng động đất, núi lửa.
“Hiện tượng này không ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của con người mà chỉ tác động tới hệ thống kỹ thuật như hệ thống máy tính (những thiết bị cần đồng bộ về thời gian để xử lý) hoặc hệ thống định vị toàn cầu và một số vấn đề khác, nên các nhà khoa học đang tính toán bổ sung thêm một giây nhuận âm để hệ thống đồng hồ nguyên tử chính xác hơn”, TS Nguyễn Xuân Anh thông tin.