Các ý kiến từ khối doanh nghiệp trong ngành này có chung đề xuất cân nhắc tên gọi dự án luật, đồng thời không đồng tình với một số quy định cấm trong bản dự thảo. TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát, nhấn mạnh, chỉ có lạm dụng rượu, bia mới gây ra tác hại đối với sức khoẻ. Hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Việt, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sản xuất kinh doanh và sử dụng rượu bia đã có khoảng 85 văn bản từ luật, nghị định, nghị quyết… Nếu được thực hiện nghiêm túc thì cơ bản đã đủ để điều chỉnh hoạt động sản xuất và tiêu thụ rượu bia và đồ uống có cồn nói chung. Còn trong trường hợp nhất thiết phải xây dựng một luật riêng về vấn đề này thì tên gọi phù hợp của luật phải là “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”.
Ông Matt Wilson, Giám đốc ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam, nêu quan điểm “không nên cấm, mà nên định hướng”. Theo ông Matt Wilson, việc cấm quảng cáo và tài trợ đồ uống có cồn sẽ không có tác dụng làm giảm thiểu hành vi lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam mà sẽ dẫn tới những thiệt hại đáng kể cho phát triển du lịch, kinh tế và xã hội của Việt Nam. Các hoạt động văn hóa và thể thao xã hội hóa (do các doanh nghiệp tài trợ) không chỉ đem đến cho công chúng tại Việt Nam các chương trình giải trí hấp dẫn, hỗ trợ phát triển ngành dịch vụ du lịch và ẩm thực Việt Nam, mà còn là cơ hội để tuyên truyền về hành vi uống có trách nhiệm. Tương tự, quy định cấm bán đồ uống có cồn trong khung giờ nhất định cũng được ông này coi là chỉ “đẩy” thời gian tiêu thụ đồ uống có cồn sang một khung giờ khác mà không thực sự giảm được lượng tiêu thụ. Thậm chí, sau khung giờ được mua các sản phẩm hợp pháp, người tiêu dùng có thể chuyển sang tiêu thụ những sản phẩm “lậu”, không được kiểm soát về chất lượng, gây tổn hại cho sức khoẻ người tiêu dùng…
Cùng quan điểm cho rằng các loại bia, rượu giả, rượu “lậu” không đảm bảo chất lượng mới là nguyên nhân gây hại chính cho sức khoẻ, Luật sư Nguyễn Văn Vị dẫn số liệu từ chính cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù tỷ lệ rượu giả tại Việt Nam đã giảm từ mức 9,1% năm 2009 xuống còn 6,6% năm 2010 và chỉ còn 4,4% năm 2012 nhưng tình hình rượu giả, rượu nhập lậu vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Ông Nguyễn Văn Vị cũng cho biết, tổng thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp trong toàn ngành này năm 2017 ước đạt 50.000 tỷ đồng chiếm khoảng 1,7% GDP của Việt Nam, trong khi ước tính mỗi năm ngân sách thất thoát khoảng 2.000 tỷ đồng do không kiểm soát được rượu tự nấu, rượu sản xuất theo phương pháp thủ công...
Xuất phát từ những lập luận đó, các đại diện hiệp hội bày tỏ quan ngại về tính hiệu quả của việc thành lập quỹ nâng cao sức khỏe tại Điều 19 dự thảo luật, nhằm mục đích cung cấp nguồn lực tài chính cho các chương trình giáo dục có mục tiêu giúp thay đổi thói quen uống và phòng, chống lạm dụng đồ uống có cồn. Nếu kiểm soát tốt, chống được thất thất thu thì 2.000 tỷ đồng nói trên hoàn toàn có thể đảm nhiệm chức năng đó…
Một số luật gia và đại biểu Quốc hội cũng tỏ ra băn khoăn về cơ sở lý luận và thực tiễn của dự thảo luật. Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, đề nghị xem xét tính khả thi của nhiều quy định như cấm bán rượu theo giờ và lưu ý, dự luật này “đánh đồng các loại bia, rượu từ nặng tới nhẹ”. Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia đã khá cao (65%) nên không nên đặt ra ý tưởng thu quỹ riêng, có thể coi như một loại thuế dưới tên gọi khác. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng cho rằng cả 2 phương án lập quỹ nâng cao sức khỏe đều chưa thuyết phục… Đại biểu Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cũng không ủng hộ việc thành lập quỹ cũng như quy định “cấm” quảng cáo và cho rằng điều này mâu thuẫn với các luật chuyên ngành khác, như Luật Quảng cáo và các luật thuế hiện hành...