Thông tin mà Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM công bố tại hội nghị tổng kết 6 năm thành lập khiến người tiêu dùng rất sốc, vì gần 50% mẫu rau củ, trái cây thu thập tại các chợ đầu mối cho kết quả nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép, có cả hóa chất nằm ngoài danh mục; 42% mẫu hải sản đánh bắt nhiễm cadimi vượt mức cho phép (tập trung ở mực và bạch tuộc), 37% mẫu thủy sản nuôi tồn dư loại kháng sinh cấm sử dụng ciprofloxacin và 49% mẫu có kháng sinh enrofloxacin…
Ngay sau khi có thông tin này, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã ra công văn yêu cầu Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM phải rà soát thông tin, tính toán lại tỷ lệ mẫu rau quả, thủy sản vi phạm với lý do… để tránh hiểu nhầm, gây hoang mang, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu.
Lâu nay, người tiêu dùng, các bà nội trợ vẫn luôn lo lắng, hoài nghi về mức độ an toàn của thực phẩm bán ở các chợ dân sinh, những cửa hàng không có hệ thống giám sát chất lượng. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra. Nhiều nhà hàng, quán ăn, cơ sở chế biến thực phẩm vẫn không đảm bảo vệ sinh, lạm dụng phụ gia, hóa chất…, trong khi được biết sự thật về xuất xứ, chất lượng món hàng là nhu cầu và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Công bố sự thật như Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM vừa làm là để khẳng định trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của một cơ quan được nhà nước giao canh gác về chất lượng thực phẩm. Việc rà soát theo yêu cầu của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cũng là việc cần thiết, nhằm đảm bảo số liệu được công bố là chuẩn xác, giúp lành mạnh thị trường thực phẩm.
Ngược lại, thông tin về an toàn thực phẩm, nếu bưng bít sẽ phản tác dụng. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu khi nông nghiệp vẫn là mặt hàng xuất khẩu chính của chúng ta tới nhiều thị trường lớn. Nếu việc giám sát chất lượng được thực hiện nghiêm ngay từ đầu thì sẽ không thể xuất hiện các vụ thực phẩm, nông thủy sản của chúng ta bị nước nhập khẩu cảnh báo, ra lệnh thu hồi, thậm chí trả về, điển hình như các vụ liên quan đến sản phẩm mì ăn liền, tương ớt, hạt tiêu đen, bột quế, bưởi, chôm chôm, thanh long, mộc nhĩ, gạo thơm, đùi ếch đông lạnh…
Để tránh hiểu lầm cho hàng xuất khẩu, cơ quan chức năng cũng cần công bố rõ thông tin doanh nghiệp, mặt hàng cụ thể không đảm bảo an toàn. Nhưng cũng không thể chỉ tập trung vào hàng xuất khẩu mà buông lỏng hàng trong nước, coi thường sức khỏe người tiêu dùng trong nước. Hiệu quả hoạt động của một cơ quan quản lý là kiểm soát được sản xuất, chất lượng hàng hóa, chứ không phải là làm đẹp số liệu báo cáo, để mặc người tiêu dùng đối mặt với thực phẩm bẩn.