Theo PGS-TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM), không nên “bao cấp” mà cần tính đúng, tính đủ các chi phí cho công tác chống ngập để vừa có kinh phí cho công tác này, vừa buộc các nhà làm quy hoạch xây dựng, các chủ đầu tư phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định hướng phát triển và xây dựng công trình ở những khu vực thấp, đất yếu, nằm ở hướng thoát nước chính. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Hồ Long Phi về nội dung này.
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, TPHCM đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho công tác chống ngập và theo dự báo dưới tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, thành phố sẽ phải tốn thêm rất nhiều tiền nữa cho công tác này. Đã có ý kiến lo ngại rằng, cứ tiếp tục như vậy, TPHCM sẽ đuối sức trước “cuộc đua” với thiên nhiên. Ông nghĩ sao về điều này?
- PGS-TS HỒ LONG PHI: Từ trước đến nay chi phí cho công tác chống ngập thường được thành phố vay vốn ODA hoặc xuất ngân sách chi trả. Trong bối cảnh BĐKH, mực nước biển dâng, ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến TPHCM thì đây là gánh nặng lớn và nếu không có gì thay đổi, khả năng thành phố đuối sức trước “cuộc đua” với thiên nhiên là hoàn toàn có thể xảy ra.
TPHCM không nên “bao cấp” cho công tác này nữa. Hiện trong công tác phát triển đô thị, chủ đầu tư các dự án mới được yêu cầu phải làm hồ điều tiết nước để trả lại không gian mà họ đã xây dựng, đã bê tông hóa. Đây là việc làm cần thiết nhưng chưa đủ. Bởi làm hồ điều tiết mới chỉ giải quyết một phần việc điều tiết nước, chứ không thể thay thế hoàn toàn cho việc thoát nước và ngăn triều cho dự án. Những tác động của việc bê tông hóa khu vực này lên những nơi khác chưa được tính đến. Việc phát triển đô thị ở khu vực thấp trũng như Nhà Bè, Cần Giờ… có thể mang lại lợi ích cho một số người nhưng lại tạo ra áp lực cho toàn xã hội phải tiến hành bảo vệ những khu vực này trước hiện tượng nước biển dâng.
Đó là chưa kể Nhà nước sẽ phải “bao cấp” xây dựng hệ thống thoát nước tới dự án. Cần tính đúng, tính đủ tất cả các chi phí này và buộc chủ đầu tư phải chi trả. Việc này có thể sẽ làm giá nhà, đất ở đó tăng lên, song cũng là điều kiện để các chủ đầu tư phải cân nhắc khi đầu tư. Họ sẽ phải tổ chức lại hoạt động, hoặc áp dụng khoa học - công nghệ để giảm chi phí, hoặc đơn giản hơn, là chọn nơi thuận lợi hơn để phát triển dự án. Đối với TPHCM, việc này có thể làm cho các nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư lên các vùng đất có địa chất tốt hơn. Việc xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ lớn cũng vậy. Tất cả mọi hoạt động đầu tư xây dựng mà ảnh hưởng tiêu cực tới công tác chống ngập đều phải trả phí đúng, đủ.
- Nhưng nhiều quy định về thu phí hay đưa chi phí chống ngập vào giá đất giao cho nhà đầu tư… phải được Chính phủ thông qua, thậm chí có thể phải đưa vào luật với sự đồng ý của Quốc hội. Trong khi đó tình trạng ngập diễn ra liên tục, ảnh hưởng xấu tới cuộc sống người dân?
- TPHCM có thể đề xuất Chính phủ cho làm thí điểm việc thu phí này. Sau thí điểm, rút kinh nghiệm, hoàn thiện thể chế chính sách, việc thu phí chống ngập nước nên được áp dụng rộng rãi trên cả nước. Thu phí chống ngập đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và coi đây là nguồn kinh phí chủ lực cho công tác chống ngập. Buộc những người xây dựng lấn chiếm không gian thoát nước phải trả phí cũng là một trong những giải pháp nhắc nhở họ phải cẩn trọng, tính toán kỹ khi xây dựng và cũng có thể được coi là một trong những giải pháp quản lý phát triển đô thị bền vững bằng biện pháp kinh tế.
"Dựa theo những dự án đã thực hiện, như Nhiêu Lộc - Thị Nghè với 300 triệu USD cải tạo hệ thống thoát nước mưa và 250 triệu USD cho xử lý nước thải trong lưu vực rộng 3.600ha, dự án chống ngập do triều trị giá 10.000 tỷ đồng cho khu vực rộng 570km2, ước tính chi phí chống ngập (kể cả tính đến tương lai) sẽ vào khoảng 500.000 - 1 triệu đồng/m2 cho vùng thấp và khoảng 300.000 - 500.000 đồng/m2 cho vùng cao ráo, thuận lợi. Giả định giá đất trung bình hiện nay tại Nhà Bè khoảng 20 triệu đồng/m2 và sẽ được thu bổ sung 500.000 đồng/m2, thì việc “tính đủ chi phí chống ngập” cũng chỉ sẽ làm thay đổi mặt bằng giá chưa đến 5%. Trong khi đó lại tạo ra được một nguồn thu cho công tác chống ngập và thích ứng với BĐKH khoảng chừng 2 tỷ USD. Những dự án triển khai mới sẽ phải nộp đủ, còn khu dân cư hiện hữu có thể thu dần trong 10 - 20 năm có xét lãi suất trả chậm. Có nguồn lực này, TPHCM mới có điều kiện để giải quyết hiệu quả công tác chống ngập" |
Lập lại toàn bộ quy hoạch thoát nước
- Có một thực tế là các nhà đầu tư thường căn cứ vào quy hoạch định hướng phát triển đô thị của thành phố để chọn nơi đầu tư. Điều này liệu có ổn không, thưa ông?
- TPHCM đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng. Trước đây, khi nghiên cứu lập quy hoạch này, vào khoảng những năm 2006-2009 (đồ án quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010) tác động của BĐKH, nước biển dâng chưa lớn nên chưa được lưu ý nhiều. Nay tác động của BĐKH đã rõ và cũng đã có nhiều cảnh báo, mà gần đây nhất là cảnh báo của tổ chức Climate Central. Dù còn nhiều tranh cãi nhưng tất cả đều xác định những tác động tiêu cực của BĐKH đối với nước ta nói chung và TPHCM nói riêng. Trong bối cảnh này, chắc chắn các nhà nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành phố phải có cân nhắc kỹ tác động của BĐKH, nước biển dâng tới tình trạng ngập lụt để đưa ra định hướng phát triển đô thị bền vững, hiệu quả nhất.
- Hiện nay TPHCM có nhiều đồ án quy hoạch liên quan đến công tác chống ngập, như quy hoạch thoát nước mưa, quy hoạch ngăn triều cường, quy hoạch các hồ điều tiết nước… Có ý kiến cho rằng nên thống nhất các đồ án quy hoạch này, ông nghĩ sao về đề xuất đó?
- Tôi cho rằng không chỉ nghiên cứu thống nhất mà nên lập lại toàn bộ quy hoạch chống ngập nước cho TPHCM. Bởi lẽ, dưới tác động của BĐKH, nước biển dâng cũng như quá trình phát triển đô thị của thành phố, nhiều thông số về lượng mưa, tần suất mưa, triều cường, mặt phủ (diện tích đô thị hóa)… đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, thay đổi như thế nào và tương lai sẽ còn thay đổi tiếp ra sao, chưa rõ. Xác định các thông số đầu vào để nghiên cứu, thống nhất lập lại quy hoạch chống ngập trong điều kiện bất định (của thời tiết) không dễ. Ngay cả Singapore cũng phải mời chuyên gia của Canada qua hỗ trợ nghiên cứu những thay đổi này. Việt Nam, mà cụ thể là TPHCM, cũng nên mời chuyên gia này qua.
Cần lưu ý, các bộ ngành liên quan phải nghiên cứu và cập nhật cách tính toán mới của thế giới, bởi nhiều phương pháp tính cũ với các định mức cũ của ta đã lạc hậu.
Không nên chống ngập theo kiểu “lắt nhắt”, “lẻ mẻ” kiểu nơi thì nâng đường, nơi đặt bơm, nơi làm cống… mà phải tính toán (trên cơ sở làm lại quy hoạch chống ngập mới) kỹ lưỡng, cái nào làm trước cái nào làm sau. Nhà nước cũng không nên chạy theo giải quyết hậu quả ngập cho các dự án xây dựng nữa. Công tác chống ngập ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, theo tôi, cái khó nhất không phải là vấn đề kỹ thuật, mà là cơ chế cả về tài chính lẫn quản lý để triển khai thực hiện một cách hiệu quả.