Tại tổ ĐB TPHCM, cho ý kiến về tên gọi của dự án Luật, ĐB Phạm Phú Quốc đề nghị thay từ “hình thức” bằng “phương thức” để đảm bảo bao quát hết các hình thức hợp tác đầu tư (BT, BOT, BOO…).
Lưu ý rằng dự án Luật này “đụng chạm” tới khoảng 60 điều trong Luật Đầu tư công và liên quan đến hàng loạt đạo luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đất đai…, ĐB Phạm Phú Quốc ủng hộ quy định trong dự thảo luật nội dung “trường hợp có sự khác biệt với luật khác thì thực hiện theo luật này”. “Phải như vậy nhà đầu tư tư nhân mới yên tâm rót vốn”, ông nói.
Vẫn theo ĐB Phạm Phú Quốc, Luật nên tách bạch rõ khoản vốn công và tư trong dự án để có các giải pháp vận hành, quản lý, thanh tra, xử lý phù hợp. ĐB cũng cho rằng quy định nguồn vốn nhà nước trong các dự án PPP chỉ từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn là quá hạn hẹp, tuỳ đặc thù của tỉnh thành mà có thể còn nhiều nguồn vốn khác có thể sử dụng cho đầu tư phát triển (vốn địa phương, các quỹ đất, nhà…).
Đáng lưu ý, ĐB Phạm Phú Quốc băn khoăn: “Có vẻ như chúng ta quá lo lắng đến việc quản không xuể nên không cho phát hành cổ phiếu mà chỉ cho phát hành trái phiếu, cũng có lý, nhưng như thế có trái Luật Doanh nghiệp không? Luật Doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp làm những gì mà luật không cấm”.
Chia sẻ nhiều luận điểm của ĐB Phạm Phú Quốc, ĐB Trần Hoàng Ngân nói: “Cần nói thêm cho rõ khái niệm “tư” trong Luật này không chỉ là doanh nghiệp tư nhân, mà có thể là cả khu vực FDI, khu vực doanh nghiệp nhà nước”.
Về lĩnh vực có thể áp dụng dự án PPP, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị mở rộng hơn, cho phép áp dụng cả với phát triển khu kinh tế, khu chế xuất.
Về quy mô đầu tư “không thấp hơn 200 tỷ đồng”, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị cân nhắc thêm, hoặc giao cho Chính phủ quy định, vì “đối với một số lĩnh vực thì 200 tỷ đồng là thấp, nhưng một số lĩnh vực khác thì có thể lại là quá lớn”.