Đây cũng là cơ sở cần thiết để nhân rộng thói quen tiêu dùng xanh trong cộng đồng.
Lo với rác thải ô nhiễm
Phân tích về hiện trạng rác thải nhựa trên địa bàn thành phố, các chuyên gia môi trường cho rằng, đang có sự trộn lẫn rác thải nhựa với rác thải sinh hoạt. Do vậy, chỉ có thể ước lượng số lượng nhựa sử dụng chiếm khoảng 20% rác thải sinh hoạt của thành phố (ước khoảng 1.800 tấn/ngày).
Toàn bộ lượng rác thải nhựa không được phân loại trước khi thu gom mà bị trộn lẫn vào rác thải sinh hoạt và chuyển đến các bãi chôn lấp. Hiện lượng rác này không thể phân hủy và đang có nguy cơ phát sinh ô nhiễm thứ cấp.
Ở góc độ doanh nghiệp chuyên tái chế rác thải nhựa xuất khẩu, đại diện Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, nguồn rác thải nhựa nếu được phân loại thu gom đúng cách thì sẽ trở thành nguồn nguyên liệu sản xuất của rất nhiều doanh nghiệp.
Nhất là trong bối cảnh những sản phẩm nhựa muốn xuất khẩu sang được thị trường châu Âu phải đảm bảo 1% tỷ lệ nguyên liệu nhựa tái chế. Thế nhưng, Chính phủ không cho phép nhập khẩu phế liệu nói chung và phế liệu nhựa nói riêng.
Hiện tại, rác thải nhựa trong nước không thể tái chế. Nguyên nhân là do rác thải nhựa thường được bỏ lẫn với rác thải sinh hoạt nên rất bẩn. Hiện Công ty cổ phần Vietstar, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cũng đang nỗ lực tách rác thải nhựa có khả năng tái chế để sản xuất nhựa nguyên liệu, nhưng chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 2% - 6% tổng lượng rác thải do các đơn vị này đang tiếp nhận).
Trên thực tế, các chuyên gia môi trường đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ phải xử lý lại rác thải đang chôn lấp tại các bãi chôn lấp rác của thành phố. Bởi, việc xử lý rác bằng chôn lấp đồng nghĩa với việc lượng rác thải tồn tại mãi với thời gian.
Cho dù là kỹ thuật chôn lấp hợp vệ sinh, có lót hệ thống chống thấm và thu gom xử lý nước rỉ rác, nhưng vì rác thải nhựa không thể phân hủy nên sẽ kết hợp với nhiều loại rác lẫn tạp chất khác làm phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Thậm chí, việc vận hành xử lý nước rỉ rác phải được duy trì thường xuyên và tiếp tục mãi mãi.
Điều đáng lo ngại hơn, ngoài lượng rác thải nhựa được chôn lấp, không thể phân hủy tại các bãi chôn lấp, trong môi trường tự nhiên vẫn còn tồn tại lượng lớn rác thải nhựa bị bỏ thẳng ra môi trường.
Lượng rác thải nhựa này thường trôi dạt vào hệ thống kênh rạch, cống thoát nước… gây tắc nghẽn dòng chảy và làm gia tăng thời gian cũng như tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố.
Tạo thói quen tiêu dùng xanh
Trước thực trạng trên, UBND TPHCM đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa một lần. Bắt đầu từ tháng 8-2019, các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn có kế hoạch cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị.
Về lâu dài, đến năm 2020, Sở Tài chính TPHCM sẽ không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp để mua những sản phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong các hoạt động trên.
Cùng với đó, thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng cần phải phát động hiệu quả phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” trong tất cả cán bộ, công nhân viên chức tại đơn vị.
Về giải pháp kinh tế, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý thuế tăng cường rà soát hoạt động sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần nói chung và sản phẩm túi ni lông không thân thiện môi trường. Việc rà soát tổng thể trên sẽ tạo cơ sở để thực hiện áp thuế và thu đúng, thu đủ thuế môi trường lên các sản phẩm này.
Được biết, trước đó, thuế môi trường đã được ban hành với mức thuế là 150% - 250%/kg sản phẩm túi ni lông không thân thiện môi trường. Thế nhưng, thực tế triển khai còn nhiều bất cập. Bởi đối tượng sản xuất sản phẩm túi ni lông không thân thiện môi trường là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ và thường đóng thuế khoán cho địa phương.
Ở góc độ khác, thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan làm việc với hệ thống phân phối bán lẻ, tiểu thương kinh doanh chợ truyền thống xây dựng chương trình giảm thiểu, tiến tới không sử dụng túi ni lông trong hoạt động bán hàng.
Cụ thể, đến đầu năm 2021, 100% kênh phân phối hiện đại không sử dụng túi ni lông đựng hàng cho người tiêu dùng. Và tỷ lệ này giảm xuống còn 50% với người tiêu dùng khi mua hàng tại chợ truyền thống.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết trong Chiến dịch Tiêu dùng xanh thực hiện tháng 6-2019, đơn vị cũng đã thí điểm thực hiện ngày bán hàng không sử dụng túi ni lông.
Chương trình đã đón nhận sự hưởng ứng rất tích cực từ phía người tiêu dùng. Ước tính, trung bình mỗi ngày có hơn 1 triệu lượt người tiêu dùng đến mua hàng tại cửa hàng, siêu thị thuộc hệ thống của Saigon Co.op. Điều này cho thấy, nhận thức về công tác bảo vệ môi trường của người dân đã rất cao.
Vấn đề còn lại là cần có sự quyết tâm của Chính phủ, lãnh đạo các địa phương trong việc duy trì và mở rộng thói quen tiêu dùng xanh trong hệ thống chính quyền lẫn trong cộng đồng. Có như vậy mới dần tạo nền tảng cải thiện chất lượng môi trường bền vững trong thời gian tới.