Đáng chú ý, trong dự thảo vừa được thông qua, Quốc hội đã bỏ điều khoản miễn trách nhiệm với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD), dựa trên tiếp thu ý kiến của các đại biểu.
Tại các phiên thảo luận trước đó về dự án luật này, một số ĐBQH không đồng tình về quy định việc miễn trách nhiệm hoặc quy định trách nhiệm người tham gia cơ cấu lại TCTD vì đã có quy định tại các luật khác như Bộ luật Hình sự; Luật Cán bộ, công chức... Dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng cần có điều khoản này để thu hút các cán bộ giỏi chuyên môn tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, để họ yên tâm làm việc, nhưng lập luận này chưa thuyết phục được các ĐBQH.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến ĐBQH với lý do tránh xung đột pháp lý khi xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức và các trách nhiệm dân sự, hình sự khác.
Về chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt để bảo đảm vừa phục hồi được bên chuyển giao, đồng thời không ảnh hưởng xấu đến hoạt động của bên nhận chuyển giao (một nội dung có nhiều kiến tranh vì liên quan đến quyền tài sản đã được hiến định, một số ĐBQH đề nghị bổ sung tiêu chí, nguyên tắc, cơ chế lựa chọn, chỉ định TCTD, nhà đầu tư nhận chuyển giao bắt buộc về năng lực quản lý, điều hành, năng lực tài chính...). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, quy định rõ hơn tại Điều 151đ của dự thảo Luật.
Theo đó, bên nhận chuyển giao là TCTD phải có: Hoạt động kinh doanh có lãi trong ít nhất 2 năm liền kề trước thời điểm đề nghị; đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 130 Luật các TCTD; có phương án chuyển giao bắt buộc khả thi, trong đó bao gồm nội dung chứng minh bên nhận chuyển giao có đủ nguồn vốn để thực hiện góp vốn theo phương án. Bên nhận chuyển giao không phải là TCTD thì phải là pháp nhân và đáp ứng các tiêu chí thứ nhất và thứ ba như đối với trường hợp bên nhận chuyển giao là TCTD.