Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định, TPHCM tiếp thu nội dung kết luận về sai phạm gần 2.200 tỷ đồng trong 6 dự án BOT giao thông trên địa bàn; hiện TPHCM đang triển khai công tác khắc phục.
Trưa 23-8, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã chủ trì cuộc họp báo định kỳ của UBND TP.
Tại cuộc họp báo này, phóng viên các báo, đài tập trung nêu các thắc mắc về các sai phạm ở 6 dự án giao thông đầu tư theo hình thức đầu tư - xây dựng - chuyển giao (BOT) theo kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây.
Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định không có lợi ích nhóm hoặc tư túi trong sai phạm gần 2.200 tỷ đồng ở 6 dự án BOT giao thông ở TPHCM. “Trong quá trình thanh tra, UBND TP có ý kiến giải trình một số nội dung. Có một số nội dung, Thanh tra Chính phủ chấp nhận nhưng hầu hết các ý kiến giải trình của UBND TP chưa được chấp thuận. Đây là điều đáng tiếc. Theo tôi là do quan điểm, cách tiếp cận vấn đề và việc vận dụng pháp luật”, ông Hoan thông tin.
Giải thích sâu hơn về các kết luận 6 dự án BOT ở TPHCM bị Thanh tra Chính phủ xác định có sai phạm gần 2.200 tỷ đồng, người đứng đầu Văn phòng UBND TP, cho biết: Đối với các sai phạm trong 6 dự án này không có thất thoát. Đặc biệt, trong việc quản lý, điều hành và thực hiện các dự án này hoàn toàn không có lợi ích nhóm, cũng không có tư túi.
Dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 là một trong 6 dự án BOT giao thông ở TPHCM có sai phạm. Trong ảnh: Trạm thu phí cầu đường Bình Triệu 2 (hiện đã ngưng thu phí). Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về việc chấp hành quy định của pháp luật với 6 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), BOT tại TPHCM. Đó là dự án xây dựng cầu Phú Mỹ, đường kết nối cầu Phú Mỹ, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc, dự án xa lộ Hà Nội, dự án cầu Bình Triệu 2 và dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu.
Theo kết luận, từ năm 2010 đến tháng 6-2015 trên địa bàn TPHCM có 13 dự án BOT, BT trong lĩnh vực giao thông, môi trường được xây dựng giá trị gần 33.000 tỷ đồng của 8 nhà đầu tư. Trong đó, 5 dự án giao thông đã hoàn thành với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. 8 dự án còn lại đang triển khai với tổng mức đầu tư gần 26.000 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, hầu hết các dự án BOT nêu trên đều chậm tiến độ, từ đó dẫn đến giảm doanh thu, tăng chi phí, lãng phí vốn đầu tư.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và TPHCM xử lý khoản tiền sai phạm theo kết quả thanh tra là gần 2.200 tỷ đồng. Trong đó phê duyệt không đúng khoản tiền 1.400 tỷ đồng, phê duyệt tăng sai 67 tỷ đồng; giảm tổng vốn đầu tư, điều chỉnh hợp đồng các dự án với giá trị 90 tỷ đồng...
Tại cuộc họp báo, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, cho biết một số dự án kéo dài thời gian là do vừa triển khai vừa bổ sung hạng mục (như dự án nâng cấp, mở rộng xa lộ Hà Nội; dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1, đoạn An Sương - An Lạc). Ngoài ra, về kết luận “phê duyệt không đúng 1.400 tỷ đồng” là ở dự án nâng cấp, mở rộng xa lộ Hà Nội.
“Ở dự án này, ban đầu, nhà đầu tư chịu trách nhiệm xây lắp và TPHCM sẽ giải phóng mặt bằng 19 km. Dự án có một đoạn đi qua tỉnh Bình Dương và UBND TP đã đề nghị Bộ GTVT cân đối kinh phí bồi thường nhưng Bộ không sắp xếp được. Vì vậy, chủ đầu tư bổ sung 1.4000 tỷ đồng cho trả tiền bồi thường cho. Tháng 6-2016, UBND TP đã duyệt điều chỉnh, bổ sung số tiền này vào dự án cho phù hợp với quy định”, ông Bùi Xuân Cường thông tin.
Về việc các dự án đội vốn, Chánh Văn phòng UBND TPHCM cũng cho biết kết luận là đúng nhưng không phải do “kê khống” làm tăng tổng mức đầu tư mà nguyên nhân là do quá trình thực hiện, giá cả nhân công, chi phí nguyên vật liệu… thay đổi nên phải điều chỉnh cho phù hợp.
“Nhưng đây cũng là một kinh nghiệm cần rút ra để thực hiện các dự án khác. Tương tự, nếu quy hoạch thực hiện tốt, có tầm nhìn thì không phải đầu tư bổ sung các hạng mục, không làm “bổ sung” cầu vượt…. thì sẽ không bị coi là đội vốn”, ông Hoan nhìn nhận.
Đối với dự án BOT cầu Phú Mỹ, Thanh tra Chính phủ kết luận chưa rõ sự “cần thiết phải đầu tư”. Tuy nhiên, ông Hoan trích dẫn một văn bản và cho biết, UBND TP đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết đầu tư dự án này. Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý.
Trên thực tế, việc đưa vào khai thác cầu Phú Mỹ đã góp phần giảm thiểu kẹt xe cho khu vực trung tâm và còn góp phần phục vụ phát triển kinh tế của TPHCM. “Cầu Phú Mỹ nằm trên trục đường vành đai 2 của TPHCM, kết nối nhiều tuyến đường quan trọng, vào khu vực cảng Hiệp Phước. Khi đưa cầu vào khai thác thì các xe tải nặng, xe không còn đi xuyên tâm các trục đường của TPHCM như: Ba Tháng Hai, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ… Dự án thật sự có ý nghĩa trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông, góp phần phát triển kinh tế của TPHCM”, ông Hoan nhấn mạnh.
Dù vậy, ông Hoan cũng khẳng định TPHCM tiếp thu các nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ. TPHCM sẽ triển khai ngay công tác khắc phục mà trọng tâm là công tác thanh toán, quyết toán.
6 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT tại TPHCM. Hình: SONG NGUYỄN, Đồ họa: HỮU VI - Dự án cầu Phú Mỹ có tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Sau đó, chủ đầu tư xin điều chỉnh thành gần 2.400 tỷ đồng rồi lần lượt "đẩy" lên thành 3.030 tỷ đồng, 3.110 tỷ đồng, thậm chí đến hơn 3.400 tỷ đồng. Cuối cùng, tổng mức đầu tư của dự án được chốt ở con số gần 2.915 tỷ đồng, tức tăng lên hơn 1.000 tỷ đồng.
- 3 dự án đường kết nối cầu Phú Mỹ do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ (PMC, cũng là chủ đầu tư dự án cầu Phú Mỹ) làm chủ đầu đầu tư theo hình thức BT. Tổng mức đầu tư của 3 dự án này là hơn 1.440 tỷ đồng.
- Dự án cầu Bình Triệu 2 được thực hiện theo hình thức BOT do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư 1.717 tỷ đồng.
- Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu thực hiện theo hình thức BOT do Công ty CP xi măng Hà Tiên làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư hơn 461 tỷ đồng.
- Dự án BOT nâng cấp cải tạo 16 km quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO làm chủ đầu tư. Giá trị đầu tư ban đầu khoảng 830 tỷ đồng. Sau đó, trên đoạn này, IDICO tiếp tục chi tiền thực hiện các dự án khác, như: dự án cầu vượt tại nút giao cắt giữa 1uốc lộ 1 với tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 10B và lắp đặt giải phân cách giữa làn xe máy và xe ô tô trên quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc. Công trình 2 nút giao thông này đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 (tổng vốn đầu tư trên 700 tỷ đồng); nút giao khác mức tại giao lộ quốc lộ 1 - hương lộ 2 (407 tỷ đồng); cầu vượt nút giao Gò Mây (tổng mức đầu tư hơn 511 tỷ đồng). Chi phí đầu tư các dự án này sẽ được hoàn vốn thông qua việc thu phí tại trạm thu phí An Sương - An Lạc. Hiện IDICO còn đang xúc tiến dự án (cũng theo hình thức BOT) mở rộng hơn 9,5 km quốc lộ 1, đoạn từ An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.
- Dự án nâng cấp, mở rộng gần 16km xa lộ Hà Nội (từ chân cầu Sài Gòn đến điểm tiếp giáp cầu Đồng Nai) do CII làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Tổng mức đầu tư của dự án 5.735 tỷ đồng. Phương thức hoàn vốn thu phí (tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội) trong vòng 20 năm, từ năm 2018.
KIỀU PHONG - QUỐC HÙNG