Không lo thiếu thực phẩm cuối năm

Tình trạng thiệt hại nặng nề từ các trang trại chăn nuôi lớn đặt ra mối lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung thịt heo trong dịp tết. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thịt tăng cao vào thời điểm cuối năm, việc khôi phục hoạt động chăn nuôi và các chính sách hỗ trợ từ chính quyền trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thiếu hụt và thiệt hại

Tại tỉnh Bắc Ninh, trang trại heo của ông Nguyễn Chí Hải nằm ở thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, thuộc khu vực bãi bồi cạnh sông Đuống đã bị ảnh hưởng lớn từ đợt lũ vừa qua. Trang trại này do Tập đoàn Dabaco thuê để nuôi heo. Nước lũ dâng cao, doanh nghiệp phải huy động xe cẩu lớn để di chuyển khẩn cấp hơn 5.000 con heo đến nơi an toàn.

Trong khi tại tỉnh Yên Bái, trang trại chăn nuôi heo của Công ty Hòa Bình Minh ở xã Tuy Lộc, TP Yên Bái đã bị lũ lụt tàn phá nghiêm trọng. Theo bà Phạm Thị Phương Vinh, Giám đốc chăn nuôi của Công ty Hòa Bình Minh, trang trại có quy mô 5.000 con heo, nhưng sau lũ chỉ còn 50 con sống sót. Hơn 4.800 con heo đã trôi theo dòng lũ hoặc chết rải rác trong khu vực ngập nước, khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại đến 40 tỷ đồng.

Thống kê sơ bộ từ Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cho thấy khoảng 170.000 gia cầm và gia súc bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua. Các chuồng trại tại nhiều địa phương bị ngập úng, gây mất mát lớn cho người chăn nuôi.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái báo cáo, mưa lũ đã khiến hơn 7.000 gia súc và gần 350.000 gia cầm các loại chết. Ông Đàm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh này, cho biết, tình trạng mưa lũ diện rộng đã khiến nhiều hộ chăn nuôi mất trắng đàn vật nuôi, chuồng trại bị phá hủy, người chăn nuôi đứng trước nguy cơ mất kế sinh nhai.

Giá heo hơi tăng

Ghi nhận của PV Báo SGGP, giá heo hơi ngày 26-9 khu vực miền Trung - Tây Nguyên tăng thêm 2.000 đồng so với hồi đầu tuần, dao động ở mức 66.000-70.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá heo hơi ở mức 64.000-67.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nhận định, nguồn cung thịt heo giảm còn do bệnh dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp. Theo dự báo từ các hiệp hội chăn nuôi và thương lái, giá heo thời gian tới có thể đạt mốc 80.000 đồng/kg.

Nguyên nhân không chỉ do thiếu hụt nguồn cung mà giá heo giống trong nước cũng đang tăng cao. Theo Cục Chăn nuôi, từ nay đến cuối năm, kể cả dịp Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu thịt heo tăng khoảng 10%-15% so với ngày thường, các địa phương vẫn đảm bảo tốt nguồn cung từ sản xuất thịt heo trong nước.

Bộ NN-PTNT đã có khuyến cáo 16 doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn trên toàn quốc mở rộng quy mô sản xuất để đảm bảo nguồn cung. Còn với nông hộ chăn nuôi, khi vào đàn hoặc tăng đàn heo phải đảm bảo nguồn giống an toàn, sạch bệnh và chất lượng, đảm bảo chặt chẽ an toàn sinh học để nuôi giữ đàn heo.

Bộ NN-PTNT dự báo, nguồn cung heo sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn còn phức tạp, giá heo hơi có thể duy trì ở mức rất cao và chỉ giảm trở lại vào năm 2025.

ĐỨC TRUNG

Tăng tốc phục hồi sản xuất

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), đã cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh gia tăng vào cuối năm, nhất là sau mưa lũ. Cục Thú y đã chỉ đạo tăng cường hóa chất sát trùng và vaccine để tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, điều quan trọng nhất sau mưa lũ là khắc phục vấn đề môi trường bằng cách khử trùng và tiêu độc thông qua các biện pháp sinh học và hóa học.

Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, thông tin, các doanh nghiệp đang đối mặt nguy cơ nợ nần khi nhiều tài sản bị tổn thất. Sự hỗ trợ từ Chính phủ và cộng đồng là rất quan trọng để giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất.

!5a.jpg
Nhiều nơi đang khẩn trương tái đàn heo, đầu tư con giống để phục hồi chăn nuôi

Để phục hồi, doanh nghiệp và hộ chăn nuôi phải sửa chữa cơ sở vật chất, mua lại con giống, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường... Vì vậy, ngoài việc xem xét khoanh hoặc giãn nợ, các ngân hàng nên cân nhắc cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi khi cần thiết.

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, hiện các địa phương ở miền Bắc đang cấp tập phục hồi chăn nuôi, nhất là đàn heo, sau khi thời tiết ổn định trở lại. Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh và phục hồi chuồng trại.

Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái thông tin, những cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do mưa lũ sẽ được hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vùng bị thiên tai. Sở NN-PTNT Yên Bái cũng đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương, để trình UBND tỉnh này phê duyệt, nhằm giúp người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất và tái đàn, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thị trường trong thời gian tới.

Để đảm bảo cung ứng đủ lương thực, thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, duy trì xuất khẩu và ổn định giá cả, Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp và cử đoàn kiểm tra thực tế tại các địa phương nhằm phục hồi chăn nuôi, thủy sản, hỗ trợ các thiệt hại do thiên tai.

Các địa phương khẩn trương tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mưa lũ để loại bỏ mầm bệnh trong môi trường; giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tật trên đàn vật nuôi, xử lý nhanh các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Chủ vật nuôi cần báo cáo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện động vật có dấu hiệu ốm yếu, không được phép giết mổ, buôn bán hoặc vứt bỏ vật nuôi chết ra ngoài môi trường.

Ngành chăn nuôi và thủy sản đảm bảo nguồn cung

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong đợt bão lũ vừa qua, ngành chăn nuôi chịu thiệt hại nghiêm trọng với gần 26.500 gia súc chết, chủ yếu là heo; trên 3 triệu gia cầm chết.

Nhiều trang trại bị ngập lụt dẫn đến hàng ngàn con heo chết, một số khác buộc phải bán tháo do chuồng trại hư hại. Bão số 3 và mưa lũ sau đó cũng gây thiệt hại lớn cho ngành thủy sản, với hơn 3.700 lồng bè bị cuốn trôi. Thống kê ban đầu cho thấy, ngành thủy sản bị thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng và ngành chăn nuôi khoảng 2.000 tỷ đồng.

Mặc dù thiệt hại rất lớn nhưng các chính sách hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP hiện không còn phù hợp. Bộ NN-PTNT đã đề nghị Chính phủ ban hành 1 nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ khôi phục sản xuất sau bão số 3 và đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 02. Bộ NN-PTNT cũng đề xuất Chính phủ hoãn, giãn nợ và đưa ra hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ chăn nuôi. Đồng thời, tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hiểm và tái bảo hiểm để phát triển các lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi một cách bền vững hơn.

Về nguồn cung thực phẩm cho 4 tháng cuối năm và nhất là thị trường Tết Nguyên đán, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng hỗ trợ người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, cung cấp con giống, vật tư và thức ăn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm. Mục tiêu là hạn chế ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, duy trì xuất khẩu và giữ vững tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Trong một số tình huống, có thể tăng tốc chăn nuôi các sản phẩm ngắn ngày để hỗ trợ cho sản phẩm dài ngày, kịp thời đáp ứng nguồn cung thực phẩm. Cụ thể, sẽ thúc đẩy chăn nuôi gia cầm, khi gà công nghiệp chỉ cần hơn 1 tháng, gà lông màu khoảng 3 tháng và vịt, ngan chỉ 45-50 ngày là đạt sản lượng xuất chuồng.

Do đó, từ nay đến tết, ngành nông nghiệp hoàn toàn có thể phục hồi với các chu kỳ sản xuất khác nhau. “Các lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản sẽ sớm được khôi phục, đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục