Đặc biệt, có nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan trong giai đoạn cận tết, do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.
Nhiều dịch bệnh gia tăng
Thông tin từ các khoa hô hấp của Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, thời gian gần đây liên tục gia tăng số lượng trẻ nhập viện do các bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính như: viêm hô hấp trên, viêm mũi, viêm họng, viêm tai giữa, viêm phổi. Bên cạnh đó là các bệnh dị ứng đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng và hen suyễn…
Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp - BV Nhi đồng 1, thống kê trong một tháng qua có trên 200 trẻ mắc bệnh hô hấp phải điều trị tại khoa. Tương tự, có khoảng 500 trẻ nhập viện do các bệnh hô hấp được ghi nhận tại các Khoa Hô hấp 1 và Hô hấp 2 của BV Nhi đồng 2.
Chủ động đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng chống dịch bệnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trong khi đó, thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM trong năm 2017 cho thấy, các dịch bệnh chủ yếu tại TPHCM vẫn là các bệnh lưu hành từ nhiều năm trước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu… Cụ thể, số ca sốt xuất huyết nhập viện là 19.745 ca, giảm 11% so với cùng kỳ 2016, nhưng trong số đó có đến 6 ca tử vong. Bên cạnh đó có 4.907 trường hợp nhập viện vì bệnh tay chân miệng, 61 trường hợp phát ban nghi sởi, 5 trường hợp viêm não Nhật Bản…
Một số dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng số ca mắc, đáng chú ý là 12 ca mắc liên cầu lợn. Cùng với đó là bệnh quai bị với 396 người mắc, tăng 6% so với năm 2016; bệnh ho gà ghi nhận 14 ca, tăng gấp đôi so với năm trước; một chùm ca bệnh cúm B gồm 3 ca trong một gia đình ở quận Gò Vấp, với 1 trường hợp tử vong. Đặc biệt, có sự gia tăng đột biến của bệnh thủy đậu với 459 ca mắc, tăng 46% so với năm 2016.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, các bệnh có dấu hiệu gia tăng chủ yếu vẫn là các bệnh có vaccine, có thể phòng ngừa chủ động nếu tiêm vaccine đầy đủ. Điều này cho thấy ý thức về tiêm chủng phòng bệnh của người dân vẫn còn hạn chế.
Chủ động phòng chống
Năm 2017 là năm đầu tiên ngành y tế TPHCM triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát dịch bệnh như báo cáo trực tuyến, phần mềm tích hợp bản đồ thông tin địa lý (GIS) và cơ bản đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong bối cảnh thời tiết có những diễn biến bất thường như hiện nay, cần cảnh giác cao độ với dịch bệnh. Cảnh giác nhất là bệnh sốt xuất huyết, bởi căn cứ vào diễn biến của năm 2017 cho thấy dịch bệnh này đang có những dấu hiệu bất thường như đến sớm, kết thúc muộn.
Để kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng yêu cầu các cơ sở cần thực hiện điều tra, xử lý ca bệnh truyền nhiễm đúng quy trình; phát huy các tiện ích như báo cáo trực tuyến, phần mềm GIS để phát hiện sớm sự xuất hiện các ca bệnh, ổ dịch; phát triển các công cụ tiện ích trên các phần mềm, ứng dụng sẵn có, phục vụ cho việc phát hiện, theo dõi, xử lý ca bệnh, ổ dịch.
Ngoài ra, một vấn đề mà trong 2 năm qua TPHCM đã bước đầu áp dụng thực hiện, đó là xử phạt theo Nghị định 176 đối với các vi phạm trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với các tập thể, cá nhân gây phát sinh ổ dịch trong khu vực mình quản lý. Năm 2017, toàn TPHCM đã thực hiện xử phạt 390 trường hợp, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2016.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng đánh giá: “Việc tăng cường xử phạt đã góp phần giải quyết được những khó khăn trước đây trong công tác phòng chống dịch, nhất là sự chuyển biến trong ý thức của người dân”.
Theo Sở Y tế TPHCM, để phòng ngừa dịch bệnh bùng phát, trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên ngành đẩy mạnh công tác phòng chống dịch, ban hành cẩm nang kiểm soát dịch, thành lập đội cộng tác viên phòng chống dịch mở rộng ở các địa bàn quận huyện... để kịp thời khống chế tình hình khi dịch bùng phát.
Ngoài các bệnh đang lưu hành, Sở Y tế cho biết trong năm 2018 sẽ tăng cường giám sát để hạn chế, ngăn nguy cơ dịch bệnh lây truyền từ các quốc gia đang có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như MERSCoV, cúm độc lực cao, Ebola, Lassa... Đồng thời kiểm soát trung gian truyền bệnh tại các cảng hàng hóa đường biển, đường sông.