Số ca bệnh gia tăng
Ngày 27-6, ngành y tế TPHCM đã phối hợp với BV Bệnh nhiệt đới TPHCM tổ chức “Hội nghị tập huấn công tác điều trị và dự phòng lây nhiễm cúm A/H1N1 trên địa bàn TPHCM năm 2018” nhằm thông tin về tình hình và cách ứng phó với dịch cúm. Điều đó được người dân và xã hội đặc biệt quan tâm vì hội nghị diễn ra trong thời điểm dịch bệnh cúm A/H1N1 đang có những diễn biến phức tạp.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, thông qua các xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) các ca bệnh nhiễm cúm A/H1N1 trong năm 2018 cho thấy chủng cúm này xuất hiện từ năm 2009, đến nay chưa ghi nhận có đột biến của virus cúm A/H1N1, không ghi nhận sự gia tăng độc tính của virus, virus không gây kháng thuốc và cũng chưa tạo chủng cúm virus mới. Do đó, virus này có khả năng gây thành dịch là rất thấp. “Sau khi xuất hiện 2 chùm ca bệnh tại 2 BV trên địa bàn TPHCM, nhiều BV tuyến dưới đã lo lắng thái quá, khi có ca bệnh cúm liền nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên BV Bệnh nhiệt đới khiến BV có nguy cơ quá tải”, bác sĩ Nguyễn Thanh Trường thông tin.
Thực tế, sự lo lắng của người dân và các cơ sở y tế tuyến dưới hoàn toàn có cơ sở khi số ca bệnh nhiễm cúm đã có sự gia tăng do tính lây lan cao của chủng cúm này. Còn nhớ chùm ca bệnh cúm tại BV Từ Dũ hồi tháng 6 chỉ khởi phát từ 1 bệnh nhân, sau đó lây lan sang 27 trường hợp khác. Còn tính chung cả 2 chùm ca bệnh, thì đến nay đã có hơn trăm người nhập viện điều trị và cách ly, trong đó xác định 50 trường hợp mắc và 3 người đã tử vong.
Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, trung bình mỗi năm ở phía Nam có khoảng 30.000 người mắc bệnh cúm các loại. Tuy nhiên, tính riêng trong 6 tháng đầu của năm 2018, các ca bệnh cúm A/H1N1 có sự gia tăng hơn các năm trước.
Chủ động phòng ngừa
PGS-TS Phan Trọng Lân cho biết, người mắc cúm A/H1N1 có biểu hiện lâm sàng giống như khi mắc các chủng cúm mùa khác như sốt cao, chảy nước mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, ho, đau họng. Bệnh cúm A/H1N1 lây truyền qua đường hô hấp, người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi tiếp xúc nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân hoặc do dùng chung đồ dùng với bệnh nhân. Bệnh thường khỏi sau 1 tuần điều trị thông thường. Một tỷ lệ nhỏ trường hợp (thường ở những người có sức đề kháng kém, người có bệnh mãn tính người già, trẻ em và phụ nữ có thai) có thể có diễn biến nặng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong.
Cũng theo PGS-TS Phan Trọng Lân, việc phòng chống cúm A/H1N1 cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, giám sát và phát hiện xử lý kịp thời. Đối với cán bộ y tế là những người chăm sóc bệnh nhân có nguy cơ nhiễm bệnh cao cần được tiêm ngừa để không ảnh hưởng đến công tác điều trị cũng như tránh lây lan cho các đối tượng khác. “Bản thân phải ý thức khi ho, khi hắt hơi, khi nói chuyện… Với đối tượng có biểu hiện nghi cúm, phải đưa tay che miệng, cũng như vệ sinh cá nhân và tránh tiếp xúc đối với những người nghi cúm”, PGS-TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy, vào thời điểm này đang bắt đầu mùa mưa cũng là đỉnh điểm của bệnh cúm. Cúm A/H1N1 là một loại cúm thông thường. Tuy nhiên, người dân cần chủ động phát hiện phòng ngừa, khoanh vùng và ngăn chặn sớm để nó không trở thành ổ dịch lây lan cho cộng đồng.
Ngày 27-6, trước tình hình dịch cúm A/H1N1 trên địa bàn TPHCM có chiều hướng diễn biến phức tạp, với số người mắc gia tăng, PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, các chủng cúm mùa đang lưu hành trên thế giới và Việt Nam chủ yếu là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B. Tại Việt Nam, theo số liệu của hệ thống giám sát cúm quốc gia, trong các năm trước và những tháng đầu năm 2018, cúm A/H1N1 chiếm khoảng 20%-50% trong số các chủng cúm mùa tại Việt Nam, còn lại là cúm B và cúm A(H3N2).
Người bị xác định mắc cúm cần được cách ly và đeo khẩu trang. Đặc biệt, những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh; không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc. Ngoài ra, hiện đã có vaccine phòng bệnh cúm A/H1N1 nên người dân có thể đến các cơ sở y tế dự phòng để tiêm vaccine ngừa cúm.