Đặc biệt, các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen nên khó kiểm soát. Dù có lệnh cấm vận chuyển heo, thịt heo bị bệnh DTHCP từ địa phương này sang địa phương khác, nhưng tình trạng này vẫn còn xảy ra.
Tại hội nghị phòng chống bệnh DTHCP ở các tỉnh phía Nam vừa mới diễn ra, ông Bạch Đức Lữu, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), nhận định công tác chủ động giám sát, phát hiện, báo cáo và công bố bệnh DTHCP chưa kịp thời; chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin để tuyên truyền cho người dân biết. Đặc biệt là chính quyền cấp phường xã xử lý ổ dịch chưa triệt để và tình trạng giết mổ heo lậu diễn ra thường xuyên.
TPHCM thường xuyên phát hiện nhiều xe chở thịt heo không có giấy tờ kiểm dịch, thường vận chuyển theo đường liên tỉnh. Tỉnh Quảng Nam phát hiện xe chở 39 con heo bệnh DTHCP, trong đó 5 con đã chết; điều đáng nói là xe này đã đi trót lọt qua nhiều địa phương trước khi đến tỉnh Quảng Nam.
Ở nhiều địa phương có tình trạng vứt xác heo xuống kênh rạch; thương lái, phương tiện vận chuyển và người chăm sóc vào chuồng chăn nuôi nhưng chưa được tiêu độc khử trùng trước đó. Phần lớn trường hợp nhiễm bệnh DTHCP chủ yếu từ các nông hộ và nhiều nông hộ thừa nhận vẫn dùng thức ăn thừa từ nhà hàng, quán xá cho heo ăn.
Tại chốt kiểm tra bệnh DTHCP cố định đặt gần Trạm thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương (thuộc TP Tân An, tỉnh Long An), một nhân viên trực chốt cho hay, từ khi biết có chốt cố định, xe tải chở heo lậu ”lách” sang đi đường nhỏ liên tỉnh hoặc đổi phương tiện khác để vận chuyển heo như xe khách, xe du lịch...
Trong bối cảnh virus DTHCP có sức đề kháng cao, lây lan nhanh, lại chưa có vaccine điều trị, cần phải huy động cả hệ thống chính quyền vào cuộc. Đặc biệt, tăng cường kiểm soát các tuyến đường nhỏ liên tỉnh để ngăn chặn tình trạng người dân vận chuyển heo không rõ nguồn gốc bằng xe máy vào ban đêm.