Video phóng viên báo SGGP thực hiện phỏng vấn đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Thực hiện: VĂN MINH |
Trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết, Trưởng Ban Công tác Đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Nguyễn Thị Thanh cho biết, việc xây dựng dự thảo nghị quyết này nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Cùng với đó là thể chế hóa Nghị quyết 27 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trưởng Ban Công tác Đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Nguyễn Thị Thanh trình bày tờ trình. Ảnh: QUANG PHÚC |
Đồng thời, nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh các năm gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND…
Dự thảo nghị quyết sửa đổi lần này gồm 22 điều. Trong đó, sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm để phù hợp với Quy định số 96 và thực tiễn của việc lấy phiếu tín nhiệm trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tham dự…
Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết. Ảnh: QUANG PHÚC |
Báo cáo thẩm tra, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu rõ, ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết số 85 của Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đồng thời cho rằng, dự thảo nghị quyết mới sửa đổi lần này cơ bản đáp ứng yêu cầu tại Quy định số 96 của Bộ Chính trị.
Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền là có cơ sở thực tiễn, thể hiện tính nhân văn và phù hợp với yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra. Ảnh: QUANG PHÚC |
Về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, báo cáo thẩm tra nêu có ý kiến đề nghị chỉnh lý theo hướng bổ sung trình tự Quốc hội, HĐND thảo luận tại hội trường trong trường hợp cần thiết và cho phép người được bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến trước Quốc hội, HĐND. Điều này để bảo đảm quyền được giải trình cũng như tăng tính minh bạch, dân chủ, chuyên nghiệp và pháp quyền trong hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm.