Mất tiền, không cần thiết
Mặc dù đã tiêm 3 mũi vaccine Covid-19 do AstraZeneca sản xuất hơn 2 năm, nhưng chị Trần Nguyệt Anh (40 tuổi, Đồng Nai) không tránh được lo ngại khi mạng xã hội xôn xao chuyện vaccine gây ra cục máu đông. Chị cho biết đã được một bác sĩ tư vấn xét nghiệm tìm huyết khối có giá 250.000 đồng, gọi là D-dimer, nên đăng ký xét nghiệm cho cả gia đình ở một phòng khám. “Dù biết nguy cơ huyết khối sau tiêm vaccine Covid-19 là cực kỳ thấp, xảy ra khoảng 1 tháng đầu; nhưng tôi rất sợ hãi, nhỡ có huyết khối gây đột quỵ mà mình không biết thì sao, cẩn thận vẫn hơn”, chị Nguyệt Anh tâm sự.
Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), xét nghiệm D-dimer phản ánh tình trạng đang hoạt động của hệ thống đông máu và được bác sĩ sử dụng để theo dõi tình trạng của bệnh nhân. Ngay cả trong cơ thể người bình thường, D-dimer có thể tồn tại với một nồng độ nhất định, ở mức tối thiểu. Đáng chú ý, nồng độ D-dimer trong cơ thể tăng ở rất nhiều trường hợp như: phụ nữ có thai, tình trạng viêm, người bị chấn thương, người có bệnh lý ác tính, bệnh nhân hậu phẫu, người bị bệnh gan hoặc tim mạch… “Xét nghiệm D-dimer có độ nhạy rất cao nhưng hoàn toàn không đặc hiệu, kể cả kết quả có dương tính cũng không có nghĩa là bạn bị bệnh hoặc sẽ bị đột quỵ. Đó là điều vô lý và không có cơ sở khoa học, gây tốn kém và hoang mang cho người dân”, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa phân tích.
Còn theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, xét nghiệm D-dimer phải do bác sĩ chỉ định, đặt trong bối cảnh lâm sàng và thường áp dụng khi người bệnh đã nhập viện điều trị, hầu như không dùng trong tầm soát sức khỏe hoặc khám ngoại trú. “Biến chứng huyết khối và hội chứng giảm tiểu cầu chỉ xảy ra trong những ngày đầu sau tiêm, tối đa là trong 21 ngày, cá biệt có thể dài hơn nhưng không quá 2 tháng. Vì vậy, người dân không nên lo lắng thái quá và biến mình thành “con mồi” của những thông tin sai lệch”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng khuyến cáo.
Biến chứng chỉ xảy ra những ngày đầu sau tiêm
Trước thông tin người dân lo ngại có thể xuất hiện cục máu đông và giảm tiểu cầu sau tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, tình trạng này đã từng được ghi nhận từ nhiều nguồn dữ liệu và đều có tỷ lệ rất thấp. PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin, Tổ chức Y tế thế giới đã yêu cầu cảnh giác, theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời những biến cố hiếm gặp ở người sau tiêm vaccine Covid-19 nghi ngờ giảm tiểu cầu cục máu đông miễn dịch, đông máu rải rác trong lòng mạch, cục máu đông tĩnh mạch não.
Biểu hiện lâm sàng thường xảy ra 4 đến 28 ngày sau khi tiêm vaccine Covid-19. Tỷ lệ đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca ở người trẻ cao hơn so với người lớn tuổi, đặc biệt lứa tuổi 20-29 tuổi. Sau tiêm vaccine AstraZeneca, tỷ lệ đông máu ít xảy ra ở người trên 60 tuổi, chỉ khoảng 0,2/1 triệu liều tiêm đầu. Biến chứng đông máu sau vaccine AstraZeneca phụ thuộc vào yếu tố di truyền, bệnh nền, lối sống, thuốc đang dùng. Khi so sánh nguy cơ có 1 trường hợp xuất hiện cục máu đông trong số 1 triệu trường hợp được tiêm phòng vaccine, thì giá trị của vaccine Covid-19 AstraZeneca trong giai đoạn bùng phát dịch vừa qua là mang lại lợi ích bảo vệ không để mắc bệnh nặng phải nhập viện và nguy cơ tử vong cao do Covid-19 gây ra”, PGS-TS Tăng Chí Thượng khẳng định. Theo Sở Y tế TPHCM, thành phố bắt đầu tiêm vaccine AstraZeneca từ tháng 3-2021 đến hết tháng 6-2023 và đã tiêm hơn 9 triệu liều, đến nay không ghi nhận trường hợp nào xuất hiện cục máu đông sau tiêm chủng.
Thận trọng khi sử dụng thuốc chống đông máu
Theo ThS-BS Lương Cao Sơn, Phó trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, tất cả thuốc chống đông khi dùng đều dưới sự kiểm soát của bác sĩ tại bệnh viện. Người dân không được tự ý mua về uống phòng ngừa. Hiện thuốc chống đông máu dạng uống được chia làm hai loại: thuốc kháng đông cổ điển (nhóm thuốc kháng vitamin K) và thuốc kháng đông thế hệ mới với các ưu, nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, người bệnh khi sử dụng thuốc chống đông vẫn cần kiểm tra chức năng gan thận mỗi năm 1-2 lần hoặc khi xuất hiện một bệnh lý cấp tính khác kéo dài nhiều ngày.