Trước tình trạng chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội rất xấu nhiều ngày qua, ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết, trong năm 2019, Hà Nội có 6 đợt ô nhiễm không khí, mỗi đợt kéo dài từ 5 đến 10 ngày. Trong đó đợt ô nhiễm không khí từ ngày 8-12 tới nay được đánh giá là đợt ô nhiễm nhất tại Hà Nội khi chỉ số AQI tăng lên rất cao, kéo dài ở mức rất nguy hại nhiều ngày.
Tình trạng chất lượng không khí ngày càng xấu khiến người dân vô cùng lo lắng do ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Thực tế cho thấy, tại nhiều bệnh viện của Hà Nội, lượng bệnh nhân tới khám, điều trị bệnh đường hô hấp tăng cao đột biến.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phổi Trung ương, số bệnh nhân nhập viện do tình trạng ô nhiễm môi trường tăng hơn 20-30% so với trước. Đáng lo ngại, chất lượng không khí xấu đi, đồng nghĩa với việc các loại bụi vô cơ, hữu cơ, khí thải và đặc biệt bụi mịn PM 2.5 tăng cao đột biến trong không khí.
Đây là những hạt bụi li ti trong không khí có khả năng len lỏi sâu vào trong phổi, gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh hô hấp. Thậm chí bụi mịn PM 2.5 còn được hình thành từ các chất độc hại như: Cacbon, sunphua, nitơ và các hợp chất kim loại khác lơ lửng trong không khí nên các hạt bụi siêu nhỏ này có khả năng vượt qua bảo vệ của các loại khẩu trang thông thường, đi sâu vào trong phổi, len lỏi trực tiếp vào máu rồi gây độc cho cơ thể, lâu dài rất dễ dẫn tới ung thư.
Nguyên nhân của tình trạng chất lượng không khí xấu đi nghiêm trọng suốt những ngày qua có yếu tố khách quan do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Cùng với đó, các nguyên nhân chủ quan gây ô nhiễm không khí là: khí thải xe máy; các hộ dân dùng bếp than tổ ong, đốt rơm rạ; hoạt động xây dựng, vận chuyển vật luyện xây dựng; khí thải mùi hôi từ trạm thoát nước, kênh mương; ô nhiễm ao hồ; khói bụi từ các cơ sở sản xuất.
Đáng chú ý, trong cuộc họp mới đây của lãnh đạo UBND TP Hà Nội với các sở, ngành, quận huyện để đôn đốc các công tác liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thẳng thắn chỉ rõ, ô nhiễm không khí tại Hà Nội còn có lý do từ các công trình xây dựng, cải tạo đường, vỉa hè không làm hết trách nhiệm. Đồng thời số phương tiện giao thông ngày một gia tăng, từ đầu quý 4-2019 đến nay, số xe đăng ký mới là 84.000 nghìn phương tiện, nâng tổng số phương tiện đang quản lý lên trên hơn 6,8 triệu phương tiện.
Hít thở không khí là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Con người không thể vì không khí ô nhiễm mà ngừng hít thở nên không khí ô nhiễm thế nào vẫn phải thở để sống dù biết rằng sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng.
Để bảo vệ sức khỏe người dân trước tình trạng chất lượng không khí ngày một xấu đi, một số cơ quan chức năng như: Tổng Cục Môi trường, Bộ Y tế đã có những khuyến cáo cho cộng đồng, như: Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách. Vệ sinh mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý vào buổi sáng, tối hoặc sau khi về nhà. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm...
Rõ ràng đây là những khuyến cáo cần thiết trong bối cảnh ô nhiễm trầm trọng hiện nay.
Tuy nhiên vấn đề người dân và xã hội mong mỏi và cần hơn cả là những động thái kịp thời, nghiêm túc, trách nhiệm của chính quyền, cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn nguồn gây ô nhiễm môi trường.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường thẳng thắn cho rằng, khi ô nhiễm không khí lên đỉnh điểm, các cảnh báo đã được đưa đến người dân qua các số liệu là cần thiết nhưng lãnh đạo TP Hà Nội đã phản ứng chậm chạp khi đứng trước tình hình này.
"Chúng ta có đủ nguồn lực để làm tình hình trở nên khả quan hơn, nhưng hiện chưa có đơn vị nào dám đứng ra làm và dám chịu trách nhiệm. Tôi chưa thấy vai trò quản lý của các sở, ngành của Hà Nội trong những ngày không khí ô nhiễm...”- GS Cơ chia sẻ.
Trong khi đó, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng Hà Nội và các quan chức năng cần khẩn trương, quyết liệt có những biện pháp căn cơ để bảo vệ môi trường, ngăn chặn ô nhiễm từ các phương tiện giao thông, công trình xây dựng và hạ tầng đô thị... chứ không thể trông chờ vào "ông trời" hay sự thay đổi của thời tiết.