Chiều 18-11, tại Hà Nội, thời tiết bắt đầu trở xấu với mưa nhỏ và trời âm u, nhưng nhiệt độ vẫn chưa giảm sâu. Theo các chuyên gia khí tượng, khối không khí lạnh di chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam chậm hơn dự báo ban đầu.
Trước đó, cơ quan khí tượng của Việt Nam nhận định, khoảng chiều tối 17 và 18-11, trời miền Bắc trở lạnh.
Tuy nhiên, theo cập nhật dự báo của Trung tâm Dự báo thời tiết hạn vừa châu Âu và Hệ thống Dự báo khí hậu toàn cầu Hoa Kỳ, dự kiến từ ngày 20-11, miền Bắc mới thực sự chịu ảnh hưởng rõ rệt của không khí lạnh, nhiệt độ ban đêm và sáng sớm tại Hà Nội giảm còn 17-19 độ C.
Tại Trung bộ, từ nay đến ngày 20-11, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định tiếp tục có mưa, cục bộ mưa to. Tại tỉnh Hà Tĩnh ngoài mưa còn rét. Lượng mưa giảm dần từ ngày 21-11, nhưng dự báo mưa gió gia tăng trở lại ở Trung bộ từ ngày 22 đến 27-11, đặc biệt tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Định.
Trong khi đó, khu vực Nam bộ và Tây Nguyên chiều tối xuất hiện mưa rào cục bộ, ban ngày thời tiết nắng ráo. Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cũng cảnh báo triều cường tại Nam Bộ đang ở mức cao.
Ghi nhận lúc 2 giờ ngày 18-11 tại trạm Vũng Tàu, mực nước đạt 4,19m. Dự báo ngày 19-11, triều cường tiếp tục xuất hiện ở ven biển từ Vũng Tàu đến Cà Mau trong khoảng 0-4 giờ và 12-16 giờ.
Về cơn bão số 9 (Manyi), sau khi đi vào Biển Đông, bão duy trì tốc độ di chuyển nhanh (20km/giờ) theo hướng Tây Tây Bắc. Chiều 18-11, bão ở khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc - 116,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 510km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 14.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định, do ảnh hưởng của không khí lạnh, bão sẽ suy yếu từ ngày 19-11. Dự báo, ngày 20-11, bão đổi hướng Tây Tây Nam, tốc độ di chuyển khoảng 10-15km/giờ, khả năng trở thành áp thấp nhiệt đới và tan dần ở ngoài khơi Trung Trung bộ vào ngày 21-11.
Mặc dù bão được dự báo sẽ suy giảm thành áp thấp nhiệt đới ngay trên biển nhưng theo cảnh báo, vẫn gây thời tiết nguy hiểm cho tàu thuyền.
Chiều cùng ngày, thay mặt Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp tục ký công điện thứ hai, đề nghị các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó.
Bộ đề nghị tổ chức kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động trên biển, tổ chức trực ban 24/24 giờ và thường xuyên báo cáo tình hình; sự chủ động của các địa phương và lực lượng chức năng là yếu tố quyết định để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.