Nguyên nhân do đâu?
Đánh giá về chất lượng ô nhiễm không khí của thành phố, nhiều chuyên gia môi trường, Viện Nghiên cứu môi trường cho rằng, chỉ có thể dựa trên cảm quan và một vài thông số quan trắc thủ công. Do vậy, kết quả đánh giá không chuẩn xác. Thế nhưng, từ thực tế các nhà máy sản xuất, phương tiện cá nhân, mật độ xây dựng và số dân cư tăng nhanh trong khi những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí lại thực hiện chưa hiệu quả cũng có thể khẳng định, không khí trên địa bàn thành phố đang bị ô nhiễm nặng.
Theo PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT TPHCM, những ngày qua xảy ra hiện tượng đảo nhiệt, trời nhiều mây, độ ẩm cao nên khí thải ô nhiễm không bốc lên được mà lơ lửng tầng thấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Đồng thuận với quan điểm trên, Theo PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học quốc gia TPHCM thì hoạt động giao thông phát thải các chất ô nhiễm cao nhất, cụ thể hoạt động giao thông chiếm 99% trong tổng phát thải CO của toàn TPHCM... Một trong những phát hiện mới của Viện Môi trường và Tài nguyên đó là phát thải từ hoạt động bến cảng tàu của TPHCM đóng góp một phần đáng kể vào vấn đề ô nhiễm không khí của TPHCM, cảng biển đóng góp vào 15% tổng phát thải SO2 của toàn TPHCM, 5% bụi...
Theo dự báo đến năm 2025 nồng độ O3 sẽ vượt 1.15 đối với trung bình 1 giờ cao nhất (230µg/m3) và 1,2 lần đối với trung bình 8 giờ (144µg/m3). Nồng độ CO gấp 1,05 lần QCVN. Nồng độ NO2 vượt 1,5 lần. Chỉ có SO2 có nồng độ đạt QCVN. Đến năm 2030, ô nhiễm của thành phố sẽ cao hơn với nồng độ CO đều vượt so với QCVN đến 1,7 lần, O3 vượt 1.15 lần, tương tự với nồng độ NO2 có trung bình giờ gấp 1,67 lần so với QCVN, và đặc biệt là thời gian này, nồng độ trung bình giờ cao nhất SO2 cũng sẽ vượt QCVN 1,02 lần.
Mặc dù chất lượng ô nhiễm không khí tại TPHCM đang diễn biến xấu, thế nhưng công tác dự báo cũng như các giải pháp đưa ra để giảm thiểu lại không mang lại hiệu quả. Theo Sở TN-MT TPHCM, thành phố từng có hơn 10 trạm quan trắc không khí tự động. Tuy nhiên, những trạm này đã bị hư hỏng hơn 10 năm qua nên không thể sử dụng. Hiện, để việc đo đạc nồng độ khí thải ô nhiễm chỉ thực hiện thủ công tại 20 vị trí. Trong đó, tập trung quan trắc các thông số về bụi, tiếng ồn, khí thải... Việc đo đạc này cũng không được thường xuyên. Mặt khác, các trạm chủ yếu được bố trí tại khu vực nội thành độ bao quát không cao, không phản ánh đúng bản chất và diễn biến của tình trạng ô nhiễm khí thải.
Thiếu hạ tầng kiểm soát chất lượng môi trường
Trước thực tế trên, Sở TN-MT đã đề xuất thành phố đầu tư xây dựng dự án nâng cao năng lực quan trắc môi trường với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng. Theo đó, đến năm 2020 sẽ đầu tư 7 trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí cố định, 2 trạm quan trắc chất lượng nước mặt lưu vực sông Sài Gòn, Đồng Nai. Đồng thời, cải tạo nâng cấp 15 trạm quan trắc chất lượng nước dưới đất và đầu tư thêm 3 trạm mới. Song song đó, đầu tư trang thiết bị phòng kiểm chuẩn cho các thiết bị quan trắc tự động liên tục, nâng cấp hiện đại hóa phần phân tích tài nguyên và môi trường, hệ thống điều hành mạng lưới quan trắc tự động chất lượng môi trường nói chung.
Sau khi hoàn thiện gói đầu tư trên, sở tiếp tục triển khai tiếp 8 trạm quan trắc tự động chất lượng nước mặt lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai. Mặt khác, đầu tư thêm 10 trạm quan trắc chất lượng nước dưới đất, 5 trạm quan trắc lún mặt đất. Đặc biệt là đầu tư mạng lưới quan trắc giám sát môi trường nước thải đối với lưu lượng nguồn thải từ 1.000m3/ngày/đêm trở lên và xây dựng mới trạm điều hành hệ thống quan trắc tự động trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên đến nay dự án này vẫn chưa được hoàn thành.
Theo các chuyên gia môi trường, với tình hình ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hiện nay, TPHCM cần phải sớm thực hiện đồng bộ từ đầu tư nâng cấp trang thiết bị, bố trí các trạm quan trắc phù hợp, có thể tự xử lý được dữ liệu quan trắc để đưa ra cảnh báo kịp thời về những biến đổi môi trường. Liên quan đến nội dung này, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP), cũng cho biết, TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung hiện quá thiếu các trạm quan trắc tự động. Trong khi cơ chế tài chính không phù hợp, thiếu kinh phí bảo trì, thay thế đảm bảo hoạt động. Nhiều trạm hỏng nhưng không có thiết bị thay thế kịp thời.
Không dừng lại đó, để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng phức tạp, TPHCM cần triển khai từng bước kiểm soát khí thải xe máy, tăng cường giao thông công cộng, sử dụng nhiên liệu sạch, sử dụng xe điện, khuyến khích đi bộ... song song đó sớm hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu trực tuyến về Sở TN-MT. Quan trọng hơn, cần đầu tư thêm các trạm quan trắc không khí tự động và công khai thông tin để mọi người cùng theo dõi.