Hiện nay, có không ít người vẫn suy nghĩ điếu thuốc tạo nên “nét” của người đàn ông. Nhiều cậu trai mới lớn (thậm chí chưa kịp lớn) vì thế cứ rủ nhau tập tành hút thuốc. Ai không hút được thường bị cười là “gà mái”, là… không phải con trai. Bởi vậy, có cậu lúc đầu không hút được nhưng sợ tụi bạn cười nên cứ cố, riết rồi thành quen. Có thể nói, một trong những nguyên nhân khiến số người hút thuốc lá ở nước ta cao là vì “hút theo phong trào”, sau trở thành nghiện lúc nào không hay.
Có nhiều người tôi quen từng hút thuốc, sau vì nghe đến những tác hại của thuốc lá nên đâm sợ và bỏ. Tuy nhiên, mỗi khi đi đâu hay gặp lúc đám tiệc, ai mời thuốc thì họ cũng vẫn đưa tay cầm lấy rồi… châm lửa hút. Lý do mà họ đưa ra là để “xã giao”. Sao phải vậy? Lẽ nào chỉ có điếu thuốc mới xã giao được? Rõ ràng những người này đã bỏ được thuốc lá, vậy nhưng thật đáng buồn và ngạc nhiên là rất hiếm người đưa ra lời từ chối khi có ai đó mời mình hút thuốc.
Bỏ thuốc lá không phải là khó hoặc không thể bỏ được, chẳng qua là do tâm lý “hút cho có bạn có bè” và… ngại phải đưa ra lời từ chối khi người khác mời. Bao giờ thì mới không còn những tư tưởng như “nam vô tửu như kỳ vô phong” hay “không hút thuốc thì không phải là đàn ông”?
THANH PHÚC
Hãy vì cộng đồng mà bỏ thuốc lá
Ai cũng biết hút thuốc rất có hại bản thân, ảnh hưởng đến môi trường sống và những người xung quanh. Thế nhưng ít ai bỏ được thuốc lá với 1.001 lời giải thích, mà tựu chung cũng chỉ vì bản thân. Theo tính toán của Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia, số tiền người mua thuốc hàng năm đủ để mua 2,4 triệu tấn gạo nuôi 15,6 triệu người trong một năm, hoặc đủ xây 20.000 trạm y tế xã với đủ trang thiết bị y tế. Những con số biết nói trên, với những người có văn hóa, biết nghĩ vì cộng đồng và môi trường sống xung quanh, thì quả là một thông tin não lòng.
Trong ngôi nhà chung mà chúng ta đang sống, rất nhiều vấn đề ta cần sống vì mọi người chứ không hẳn vì sở thích, thú vui riêng của bản thân. Mỗi người không thể sống đơn độc giữa thế gian này và cũng không thể sống chung với môi trường ô nhiễm hay đầy khói thuốc lá.
Cổ nhân có câu: Nhất thiết duy tâm tạo - Tất cả đều do ý ta tạo ra; lại có lời nhắc: “Thói quen có thể thay đổi”. Thú phì phèo thuốc lá cũng là một thói quen, một thói quen có hại đến sức khỏe bản thân và ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng. Vì thế, cần giảm và tiến tới bỏ hẳn thuốc lá.
Đối với những người đã lỡ nghiện nặng thuốc lá, nên chăng cần hút thuốc có văn hóa, hút đúng nơi đúng chỗ nhằm tránh ảnh hưởng đến mọi người và cộng đồng. Có ý chí quyết tâm là làm được tất, vì thế hãy vì cộng đồng sống chúng ta mà bỏ thuốc lá.
PHẠM VĂN KÝ
(Sở Nội vụ Khánh Hòa)
Bài vở tham gia Diễn đàn văn hóa xin gởi về: Báo SGGP, 203 Phùng Hưng, P14, Q5, TPHCM hoặc Email: vhvn@sggp.org.vn |