Tình trạng này phần nào gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, an ninh trật tự… trên địa bàn TPHCM.
Cư dân bức xúc
Điển hình như đường dẫn vào một khu công nghiệp, cách phà Cát Lái (quận 2) khoảng 500m, từ lâu đã trở thành bến đậu tự phát của xe buýt tuyến số 29 (Phà Cát Lái - Chợ nông sản Thủ Đức) và tuyến số 43 (Bến xe Miền Đông - Phà Cát Lái). Tại đoạn giao thông này luôn xảy ra tình trạng ùn ứ do xe container ra vào khu công nghiệp trên phải “né” xe buýt đậu choáng hết một bên đường. Anh Tuấn, người dân nơi đây cho hay: “Không chỉ gây cản trở giao thông mà nơi đây cũng trở thành “nhà vệ sinh” ngoài trời của các tài xế nên lúc nào cũng bốc mùi khai nồng nặc”.
Tương tự, đoạn đường Huỳnh Tấn Phát dẫn vào bến phà Bình Khánh (huyện Nhà Bè) cũng trở thành “bến” đậu của nhiều xe buýt sau khi kết thúc lượt làm việc, chờ đến chuyến tiếp theo. Một hộ dân kinh doanh gần khu vực này bức xúc: “Xe buýt đậu nối đuôi nhau, che hết mặt tiền, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của nhiều gia đình. Ngày nào tôi cũng phải nhắc khéo cánh tài xế để họ đậu xe gọn lại, tránh chỗ cho mình buôn bán”. Không chỉ đậu trên đường, nhiều xe buýt còn “chui” vào các khu dân cư để lưu đậu. Điển hình như trong Khu dân cư Bình Lợi (quận Bình Thạnh) luôn có sự hiện diện của nhiều xe buýt và cư dân nơi đây thường xuyên bức xúc với tình trạng “tiểu đường” của tài xế hoặc phụ xe trong thời gian “nằm” giữ xe.
Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM cho biết cũng thường xuyên nhận được phản ánh từ các địa phương về tình trạng xe buýt đậu tràn lan sau mỗi ca làm việc. Tuy nhiên, do bến bãi cho xe buýt đậu thiếu trầm trọng nên vấn đề chưa được giải quyết. Theo quy hoạch bến bãi vận tải tại TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, diện tích dành làm bến bãi xe buýt là 81,17ha, nhưng hiện nay dù nhiều quận huyện đã cố gắng bố trí mặt bằng làm bến cho xe buýt đậu nhưng nay chỉ quy hoạch được 29,99ha, đạt 36,95% so với yêu cầu. Trong 75 vị trí đầu cuối của các tuyến xe buýt, có đến 43 điểm phải tạm sử dụng lòng lề đường để xe buýt “dừng bánh”. Việc thiếu bến đậu cũng gây tổn thất về kinh tế vì nếu có bến đậu được bố trí hợp lý, xe buýt sẽ dừng nghỉ tại đó để ngày hôm sau tiếp tục lộ trình, thay vì phải tốn nhiên liệu, thời gian, công sức chạy tìm nơi đậu.
Tìm quỹ đất phù hợp
Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, việc tìm đất làm bến bãi cho xe buýt gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều quận, huyện không còn quỹ đất công hoặc có nhưng ở vị trí không phù hợp để xây dựng bến bãi. Điển hình, UBND huyện Nhà Bè có dành một khu đất gần phà Bình Khánh để làm bến xe buýt nhưng khu đất đó lại nằm trong đường nhỏ, không thuận lợi nên xe buýt khó vào. UBND quận 7 cũng sắp xếp một diện tích đất cho xe buýt lưu đậu nhưng đường vào khá xa, không thuận tiện.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM, cho biết trung tâm đang tích cực phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP tìm kiếm quỹ đất phù hợp để xây dựng bến bãi xe buýt. Trước mắt sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng và nâng cấp các bến bãi, điểm trung chuyển và bãi đậu xe tại khu vực cửa ngõ, khu trung tâm… với nhóm dự án đầu tư được thực hiện từ nguồn vốn ngân sách, vốn ủy quyền và vốn từ quỹ bảo trì đường bộ để phấn đấu đến cuối năm 2017 được 50% các điểm đầu - cuối có khu đất ổn định làm bến bãi lâu dài và giai đoạn từ năm 2018 - 2020 giải quyết dứt điểm những vấn đề còn lại. “Hiện nay phần lớn các dự án đầu tư bến xe buýt vẫn đang ở giai đoạn quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch như Bến xe Văn Thánh, Bến xe Cần Giờ. Đang trong quá trình lập dự án như Bến xe Củ Chi mới, Bến xe Nhà Bè và Bến xe quận 8. Dự án bãi hậu cần xe buýt tại phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) đang kêu gọi đầu tư…”, ông Trung cho hay.