Về xét phong hàm GS, PGS, Thủ tướng nhất trí với các ý kiến đại biểu và yêu cầu phải chặt chẽ hơn trong xét duyệt, rõ ràng hơn về tiêu chí, không hạ chất lượng các tiêu chí mà thậm chí còn phải nâng tiêu chí.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP News Chiều 29-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo (GD-ĐT) và Hội đồng quốc gia Giáo dục - Phát triển nhân lực.
Tại phiên họp, các thành viên của ủy ban, hội đồng là các nhà quản lý giáo dục, các trường đại học, chuyên gia, doanh nghiệp… đã phát biểu, tập trung vào 4 vấn đề mà Thủ tướng gợi ý khi mở đầu phiên họp: đội ngũ giáo viên; chương trình, sách giáo khoa; tự chủ đại học; phong hàm giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với ý kiến của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về tinh thần học tập suốt đời, kể cả với GS, chứ không phải lấy xong danh hiệu, tấm bằng là xong.
“Hiện nay còn sự trì trệ trong bộ máy do không phấn đấu, không học tập, không xông pha trong công việc để rèn luyện, trưởng thành, “chỉ bổn cũ chép lại”, ngày hôm qua giống ngày hôm nay thì đất nước khó phát triển” - Thủ tướng trăn trở.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của phát triển đội ngũ giáo viên, phát triển cơ sở đào tạo giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên tiếp thu cái mới.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị cần sớm đưa vào chương trình giảng dạy của các trường vấn đề khởi nghiệp một cách sâu sắc và thực tế hơn.
"Ươm mầm khởi nghiệp trong đại học là một mục tiêu của trường đại học”, Thủ tướng lưu ý.
Về xét phong hàm GS, PGS, Thủ tướng nhất trí với các ý kiến đại biểu và yêu cầu phải chặt chẽ hơn trong xét duyệt, rõ ràng hơn về tiêu chí, không hạ chất lượng các tiêu chí mà thậm chí còn phải nâng tiêu chí. Bên cạnh đó, tăng cường minh bạch, công khai và phấn đấu làm sao tiếp cận sớm, lộ trình nhanh hơn trong hội nhập quốc tế về vấn đề này.
Về vấn đề sách giáo khoa, Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT thực hiện nghiêm nghị quyết của Quốc hội về lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phê duyệt, ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học, lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, bảo đảm yêu cầu giảm tải, khoa học, thiết thực, khả thi, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học.
LÂM NGUYÊN