Không gỡ bỏ cảnh báo “Thẻ vàng” dịp này thì sẽ bỏ lỡ cơ hội quan trọng

Điều này có tác động đến sự phát triển bền vững của ngành thủy sản, đến hoạt động của 82.000 tàu cá cùng với cuộc sống mưu sinh của hàng triệu ngư dân.

Chiều 22-4, kết luận Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW (ngày 10-4-2024) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản, đồng chí Trương Thị Mai Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao, ghi nhận 12 ý kiến phát biểu tham luận, trong đó có nhiều kiến nghị, giải pháp của các địa phương trong triển khai hiệu quả Chỉ thị số 32 thời gian qua. Điều đó cho thấy sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương cũng như trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, ngư dân của 28 tỉnh, thành phố có biển.

Hoi nghi Ban Bi thu 5.jpg
Đồng chí Trương Thị Mai và các đồng chí chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính ở trụ sở Trung ương Đảng

Đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, phát triển ngành thủy sản Việt Nam chưa bền vững, chưa gỡ được cảnh báo "Thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu, chưa tuân thủ đầy đủ quy định chống khai thác IUU. Vì thế, chúng ta phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc gỡ được cảnh báo “Thẻ vàng” lần này. Các cấp ủy, địa phương và mỗi doanh nghiệp, ngư dân cần nhận thức đúng tầm quan trọng vấn đề này mới có hành động đúng, hành động đủ để thực hiện Chỉ thị số 32 hiệu quả.

“Bây giờ là cuối tháng 4 và thời gian đến tháng 11 không còn nhiều. Đây là thời điểm để Nghị viện châu Âu chuẩn bị bầu cử trở lại, nếu chúng ta không gỡ bỏ cảnh báo “Thẻ vàng” dịp này thì sẽ bỏ lỡ cơ hội. Vì thế, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương cần có kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện Chỉ thị số 32 một cách nghiêm túc để bảo đảm đúng thời gian”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Hoi nghi Ban Bi thu 7.jpg
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận hội nghị

Theo đồng chí Trương Thị Mai, Chỉ thị số 32 xác định nhiệm vụ quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài để phát triển bền vững ngành thủy sản đất nước. Nếu chúng ta không gỡ được cảnh báo “Thẻ vàng” thì sản phẩm thủy sản Việt Nam vào châu Âu bị kiểm soát nghiêm ngặt, ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp. “Nếu chỉ 1 trong số 28 tỉnh, thành làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến việc gỡ cảnh báo chung cả nước. Nếu vẫn còn “Thẻ vàng”, không chỉ ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế mà còn tác động đến sự phát triển bền vững của ngành thủy sản, đến hoạt động của 82.000 tàu cá cùng với cuộc sống mưu sinh của hàng triệu ngư dân”, đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ.

Trên tinh thần đó, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương thể hiện quyết tâm cao để gỡ bỏ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2024 này. Trong đó, trách nhiệm đầu tiên là Bộ NN-PTNT, sau đó là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và ngư dân.

Đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu Bộ NN-PTNT thường xuyên báo cáo Ban Bí thư những đơn vị làm tốt, chưa làm tốt để làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đó. Đồng thời, kịp thời biểu dương những đơn vị làm tốt, nhắc nhở những đơn vị chưa làm tốt để qua đó vừa bảo vệ quyền lợi của ngư dân nhưng cũng động viên họ vươn khơi bám biển, khai thác thủy sản đúng quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục