Chúng tôi không đo đạc được quãng đường bao xa từ khách sạn Astoria, nơi Bác Hồ đã ở khi đặt chân đến TP Petrograd, nay là TP Saint Petersburg, nằm ngay trước mặt nhà thờ Thánh Isaac, ra đến khu vườn hoa nằm ở ngã tư đường Hồ Chí Minh với đại lộ Khai Sáng - nơi vừa diễn ra lễ khánh thành Tượng đài Hồ Chí Minh. Nhưng chí ít đếm được khoảng thời gian, ấy là 100 năm tròn người yêu nước trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân đến Petrograd.
100 năm sau, cảm xúc về một “ký ức lịch sử” đã được đọc, được xem mà hình dung một chặng đường của cuộc cách mạng có tính khởi thủy nhưng mang ý nghĩa quyết định vận mệnh quốc gia, đó là giải phóng dân tộc ra khỏi ách nô lệ, thuộc địa. Gìn giữ, thắt chặt mối quan hệ bang giao, tình hữu nghị giữa hai nước Nga - Việt, hai TP Saint Petersburg - TPHCM, hai quận huyện Kronstadt - Cần Giờ cũng xuất phát trên nền “ký ức lịch sử - văn hóa” ấy mà Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Thống đốc Saint Petersburg Alexander Beglov cùng trang trọng nhắc nhở.
Có một điều tương hợp khá thú vị giữa hai thành phố: việc xây dựng, tôn tạo, trùng tu các công trình di sản lịch sử - văn hóa của Saint Petersburg, trong đó có Tượng đài Hồ Chí Minh. Từ thành phố bạn, nhìn về TPHCM, hơn 3 năm các hoạt động tôn tạo, trùng tu, phục dựng các công trình lịch sử - văn hóa đi cùng xây dựng, chỉnh trang đô thị để hài hòa một không gian văn hóa của thành phố từ Sài Gòn - Gia Định đến TPHCM; với điểm nhấn đặc biệt là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã đánh đổ chế độ phong kiến Nga hoàng ở thời kỳ tàn lụi nhưng nước Nga vẫn lưu giữ đến ngày nay những di sản trác tuyệt của văn hóa Nga, qua Cung điện mùa Đông, mùa Hè, mùa Thu, Bảo tàng quốc gia Hermitage và bao công trình văn hóa lộng lẫy để làm nên TP di sản Saint Petersburg.
Rõ ràng, từ những công trình văn hóa soi mình bên dòng Neva xinh đẹp đến những di sản còn lưu dấu hơn 300 năm qua của Sài Gòn - Gia Định - TPHCM bên dòng sông Sài Gòn, khiến chúng ta một lần nữa minh thị sức sống vĩnh hằng của các giá trị văn hóa - lịch sử. Bởi văn hóa là một quá trình tiếp biến, là sự kết nối không đứt gãy các giá trị vật thể - phi vật thể - truyền khẩu trong đời sống tinh thần, trong sự tiến bộ của văn minh vật chất, nơi lưu giữ trọn vẹn ký ức tập thể của một cá thể, tập thể, cộng đồng… Quan điểm thấm đẫm sự tôn trọng văn hóa của thành phố bạn cũng như của chính thành phố chúng ta là biểu thị cho một cung cách quản trị có văn hóa. Vì vậy, quan điểm này cần được thống nhất và đặt ra như một nguyên lý phát triển trong quá trình tái cấu trúc, quy hoạch, chỉnh trang thành phố; nên được thúc đẩy để tiến tới sự kết nối, hợp tác, cùng bảo tồn, phát huy, mở rộng các giá trị, công trình văn hóa giữa người dân, giới chuyên môn và chính quyền. Đặt điểm nhìn này trong nhận thức và hành động để khi xây dựng, phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ tạo điểm cân bằng và tạo ra giá trị tổng hòa, nhân văn và bền vững.
Bên cạnh tôn tạo, trùng tu các công trình di sản bản địa, về mặt thiết chế, cần có sự đầu tư, xây dựng, nâng cấp và khai thác hiệu quả hơn đối với các công trình liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố của chúng ta. Bên cạnh việc kiến tạo những công trình, hoạt động văn hóa mang giá trị thụ hưởng cao, thiết thực, hữu ích cho cộng đồng thì điều quan trọng và là “linh hồn” của không gian văn hóa đó chính là con người văn hóa. Như con người Sài Gòn - TPHCM hào sảng, nghĩa hiệp, trọng tình, nay tiếp tục được nuôi dưỡng, đắp bồi, lan tỏa.
Người dân thành phố vừa là chủ thể tạo nên văn hóa, lưu giữ văn hóa vừa là khách thể - thụ hưởng không gian và sản phẩm văn hóa ấy, vốn được tiếp sức, phục vụ từ bộ máy chính quyền. Như một ngày cuối tháng 6, giữa Đêm trắng nước Nga, những đứa con của “đoàn Kỵ binh xanh” và người Việt cùng đón nhận một tượng đài văn hóa - Hồ Chí Minh, tưởng xa mà gần khi cùng chung một nhịp đập yêu văn hóa hòa bình, từ quá khứ bắc cầu cho hiện tại để đi tới tương lai.