Ngày 17-11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp cùng Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học Văn hóa Hồ Chí Minh lan tỏa trong lòng người dân ở TPHCM.
Phát biểu khai mạc chào mừng hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Phước, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM nhấn mạnh, hội thảo được tổ chức để cùng nhau thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề quan trọng nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa…. Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc".
Cùng với đó là để thực hiện Kết luận 01 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; đồng thời thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TPHCM về “Xây dựng TPHCM trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”.
GS.TS Nguyễn Văn Phước khẳng định, hội thảo lần này vừa thể hiện niềm tin, vừa là tinh thần trách nhiệm của các nhà khoa học Thành phố đối với việc phát huy văn hóa Hồ Chí Minh và xây dựng văn hóa cho thành phố nói chung.
Tham luận tại hội thảo, GS.TS Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết ông và nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu 6 giá trị cốt lõi đặc trưng của Việt Nam. Đó là: giá trị yêu nước Việt Nam, giá trị cộng đồng Việt Nam, chủ nghĩa nhân văn Việt Nam, tinh thần thân dân Việt Nam, tinh thần hòa hiếu Việt Nam và tinh thần thượng võ Việt Nam.
Phân tích cụ thể từng giá trị cốt lõi, GS.TS Phan Xuân Sơn và khẳng định việc nghiên cứu văn hóa Hồ Chí Minh để khai thác và lan tỏa thì cần nghiên cứu sâu đến tinh thần thân dân Hồ Chí Minh.
Theo GS.TS Phan Xuân Sơn, ở Việt Nam, tinh thần thân dân có từ rất sớm, mang tính nội sinh. Ngày nay, tinh thần thân dân trong điều kiện mới, trong thời đại Hồ Chí Minh, đã kết hợp được chuẩn mực đạo đức thân dân truyền thống với quyền dân chủ hiện đại, bổ sung những yếu tố mới của thời đại như nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, do sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
“Có thể nói, tinh thần thân dân Việt Nam đã và đang đóng vai trò một giá trị văn hóa chính trị cốt lõi, định hướng hành vi của nhà nước, cán bộ, công chức, cá nhân, tổ chức và cộng đồng trong quá trình xây dựng đất nước. Tinh thần thân dân với tư cách là một giá trị văn hóa chính trị cốt lõi, sẽ định hướng, thúc đẩy chúng ta hoàn thiện các thể chế kinh tế, thể chế chính trị, thể chế xã hội để nhân dân tự hiện thực hóa các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình”, PGS.TS Phan Xuân Sơn nhấn mạnh.
Tham luận về quá trình hình thành thời đại Hồ Chí Minh và Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM phân tích, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” được hiểu là thuộc vùng lãnh thổ nước Việt Nam với cộng đồng 54 dân tộc. Ở đó người dân đều tôn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Cha già dân tộc” với những giá trị cao quý, có dấu ấn đậm nết nhất về đạo đức và công ơn của người đã mang lại cho dân tộc. Đó cũng là những yếu tố làm nên “Thời đại Hồ Chí Minh” và cũng là tầm vóc vĩ đại của phẩm chất Hồ Chí Minh.
Cũng theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Không gian văn hóa và thời đại Hồ Chí Minh còn là sự kế thừa và kết tinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp nhất của Việt Nam nhưng không mang tính áp đặt hay độc tôn mà là cùng xây dựng nền văn hóa Việt Nam đa sắc thái của 54 dân tộc. Đó là nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và thống nhất trong đa dạng. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không có giới hạn trong đường “biên giới cứng” của Việt Nam mà còn lan tỏa rất rộng trên thế giới. Dấu ấn văn hóa Hồ Chí Minh rõ nét nhất ở những nước đã giành được độc lập dân tộc từ cảm hứng và niềm tin vào tấm gương chiến đấu quả cảm của người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Người. Minh chứng là rất nhiều nơi trên thế giới đã dựng tượng đài hoặc lưu giữ di tích kỷ niệm nơi Người đã lưu lại.
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, bảo vệ những giá trị của Không gian văn hóa và thời đại Hồ Chí Minh trước hết là bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ với tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó còn là xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bàn sắc dân tộc; đồng thời thực hiện tốt công cuộc chỉnh đốn Đảng, chống lại những căn bệnh của cán bộ, đảng viên, trong đó, trọng tâm là chống tham nhũng, chạy chức quyền, thóai hóa đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kiên quyết đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, thù địch.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung, đặc điểm và những giá trị cốt lõi của văn hóa Hồ Chí Minh. Làm rõ về khái niệm, nội dung và giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Người. Cùng với đó, đóng góp các giải pháp cụ thể, thiết thực để lan tỏa giá trị văn hóa Hồ Chí Minh trong lòng người dân thành phố. |