* Đồng chí PHẠM PHƯƠNG THẢO, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM: Phát huy thành nét đặc trưng
Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, nhưng cần có điểm nhấn trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Để làm được điều đó, trước hết TPHCM phải xây dựng văn hóa, con người thành phố phát triển toàn diện gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu về học và làm theo Bác, để việc học tập và làm theo Bác được lan tỏa trong đời sống xã hội, trở thành lối sống đẹp đối với mỗi người dân. Cùng với đó là khuyến khích các hình thức biểu dương, quảng bá thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, có phòng truyền thống, góc truyền thống ở các cơ quan, đơn vị, trường học…
Song song đó, tập trung hoàn thành quy hoạch tổng thể Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM. Trong đó cần tập trung nâng cấp, mở rộng Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM, xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, xây dựng không gian văn hóa công cộng gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại một số khu vực, địa phương.
Một trong những “con đường” để người dân dễ tiếp cận những phẩm chất tốt đẹp của Người là văn học nghệ thuật. Từ bây giờ, TPHCM phải đẩy mạnh hơn hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, phối hợp xây dựng các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp có nội dung về Bác, về việc học tập và làm theo Bác. Thành phố có thể tổ chức biểu diễn thường niên và thường xuyên, không chỉ phục vụ các đợt lễ hội mà còn phục vụ du khách như nét văn hóa đặc trưng của TPHCM.
Về lâu dài, chúng ta cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, tạo điều kiện để phát huy Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành nét đặc trưng văn hóa của nhân dân TPHCM. Thành phố xem xét có sự tăng cường đầu tư về lĩnh vực văn hóa, xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đối với các công trình kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa, quan tâm đúng mức việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Cần tuyên truyền sâu rộng để mỗi chi bộ, cơ quan, đơn vị, trường học… là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ; mỗi người dân đều ứng xử có văn hóa trong giao tiếp cộng đồng.
* Đồng chí PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM: Thể hiện tự hào, ra sức xây dựng, phát triển TPHCM
Để triển khai xây dựng thành công Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM, thời gian tới, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM; cùng với các nghị quyết chuyên đề, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, nâng cao và thể hiện niềm vinh dự, tự hào trong từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, mỗi người dân của thành phố vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mọi ngành, mọi giới đều ra sức phấn đấu, tu dưỡng, rèn đức, luyện tài, khát vọng cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển TPHCM.
Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ thực hiện đồng bộ cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó là phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa hiện tại trên địa bàn thành phố gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời rà soát, bổ sung hoàn thiện các thiết chế văn hóa, quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình văn hóa mới gắn với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo dấu ấn riêng cho thành phố. TPHCM cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên không gian mạng, báo chí, báo điện tử thành phố về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Song song đó, hướng đến hình thành chuẩn mực văn hóa, con người thành phố mang tên Bác gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cụ thể, thông qua việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện cho người dân, nhất là thanh thiếu nhi thành phố phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, tuân thủ pháp luật, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần hình thành tính cách đặc trưng của con người TPHCM luôn gắn bó, sẻ chia, vì cả nước, cùng cả nước, tương thân, tương ái, nhân văn, lịch thiệp.
Bên cạnh đó, rà soát và có biện pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại trong xây dựng văn hóa và con người thành phố; tập trung xây dựng và phát triển TPHCM là điểm đến an toàn, thân thiện, có chất lượng sống tốt, thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
* PGS-TS HUỲNH QUỐC THẮNG, giảng viên cao cấp khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM: TPHCM phấn đấu đi đầu thực hiện
Xây dựng không gian văn hóa TPHCM và xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh có liên quan đặc biệt với nhau, mà TPHCM nhất thiết phải phấn đấu đi đầu thực hiện. Bởi vì, văn hóa TPHCM không chỉ góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn làm tỏa sáng giá trị của một thành phố anh hùng gắn với thành phố nghĩa tình, thành phố mang tên Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa lớn của thế giới.
Xây dựng không gian văn hóa TPHCM cùng với xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần tích cực cho sự phát triển của thành phố. Nội dung Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các cơ quan, đơn vị khác nhau nhưng phải cùng dựa vào những giá trị văn hóa Hồ Chí Minh mang tính chung nhất. Do đó, ngay từ đầu phải xác lập định hướng riêng xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Những gì xuất phát từ yêu cầu khách quan cần phải phấn đấu làm thật tốt.
TPHCM phải từng bước triển khai xây dựng không gian văn hóa TPHCM như một nền tảng vững chắc và Không gian văn hóa Hồ Chí Minh như là một hạt nhân đỉnh cao của mô hình văn hóa TPHCM. Do đặc điểm và vị thế của TPHCM, quá trình phát triển văn hóa nơi đây (cả về lượng lẫn chất) phải tiến lên theo mô hình của một nền công nghiệp văn hóa tương ứng, gắn kết giữa sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của kinh tế với văn hóa. Từ đó, đem lại hiệu quả sản xuất lớn về văn hóa nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu văn hóa tinh thần và nâng cao chất lượng sống ngày càng cao, đa dạng của người dân. Đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược vì cả nước, cùng cả nước trong quá trình hội nhập.
* TS NGUYỄN THỊ VIỆT HÀ, Học viện Chính trị khu vực II: Xây dựng ứng dụng Hồ Chí Minh
Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần định hình một không gian văn hóa về Người trong lòng nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân TPHCM nói riêng. Tuy nhiên, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh chỉ thật sự có giá trị bền vững nhất khi trở thành một phần trong tâm thức của nhân dân TPHCM.
Hãy bắt đầu bằng việc phổ biến rộng rãi hơn nữa ngày mất âm lịch của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khuyến khích mỗi gia đình có hình thức làm giỗ hay tưởng nhớ đến Người vào ngày này. Đồng thời, từ gia đình, nhà trường và xã hội cần đưa những hình ảnh, câu chuyện, bài hát… về Hồ Chí Minh vào quá trình giáo dục. Trong đó, đặc biệt chú ý xây dựng những tiết kể chuyện về Người từ hệ thống mầm non. Tiếp đến là hệ thống kiến thức về Người mang tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với từng cấp bậc trong hệ thống giáo dục quốc dân và phổ biến rộng rãi, gồm cả trường học quốc tế trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó là đẩy mạnh xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng, truyền thông, báo chí. Chú trọng xây dựng ứng dụng Hồ Chí Minh (App Hồ Chí Minh) - kho tư liệu về Người và kết nối Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên mọi miền Tổ quốc cũng như bạn bè quốc tế.
Để thực hiện những điều trên cần sự chung tay góp sức của các cấp lãnh đạo và người dân thành phố. Khi mỗi người dân TPHCM như một thành viên trong “gia đình thành phố” thì với lương tâm, trí tuệ, danh dự của họ, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tự nhiên sẽ hình thành, tồn tại và phát triển theo thời gian.