Tạo ứng dụng, sáng tác nhạc
Hiện nay, nhiều nơi như TP Thủ Đức, quận 1, quận 6, quận 10, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh, Thành đoàn TPHCM… đã triển khai xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh rất sôi nổi, phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ quan, đơn vị mình.
Theo đó, tại quận 1, các cơ quan, đơn vị từng bước đẩy mạnh xây dựng các mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đó là mô hình vận động 100% gia đình đảng viên có tủ sách và chân dung Bác Hồ, nhằm góp phần đưa hình ảnh Bác đi vào không gian sống hàng ngày từ góc độ gia đình, cộng đồng; mô hình “Hành trình tri thức” tặng sách viết về Bác đến cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tại quận; các mô hình triển lãm kết hợp giới thiệu tác phẩm, ấn phẩm về Bác Hồ, xây dựng không gian đọc và tủ sách về Người… Quận 1 cũng xây dựng chuyên mục Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên trang cộng đồng Cột cờ Thủ Ngữ.
Tại quận 6, ngay đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 năm 2021, quận đã triển khai xây dựng mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh - đưa thư viện điện tử (gồm video clip, sách về Bác Hồ) để phục vụ bạn đọc tại khu cách ly, phong tỏa. Đến nay, bên cạnh Không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện hữu ở cơ quan đơn vị, trường học, cơ sở tôn giáo, quận 6 còn thiết lập trang facebook, fanpage Không gian văn hóa Hồ Chí Minh; triển lãm trực tuyến hình ảnh 3D, triển lãm tranh, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ.
Đặc biệt, quận 7 tạo ứng dụng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên internet với 3 ngôn ngữ Việt - Anh - Hàn với hình thức đa dạng, nội dung phong phú về Bác. Kèm theo là hình ảnh tư liệu rất sinh động, như việc tích hợp các thước phim, bài hát, hình ảnh liên quan đến thân thế, sự nghiệp và quá trình hoạt động của Người. Ứng dụng còn cung cấp “Bảo tàng Hồ Chí Minh” dưới dạng 3D để người xem tham khảo. Hiện ứng dụng đã được giới thiệu rộng rãi đến từng tổ dân phố, chung cư, khu dân cư trên địa bàn và ngày càng lan tỏa rộng hơn.
Trong xu hướng chuyển đổi số, tại quận 10, nhiều cơ quan, đơn vị đã ứng dụng mã QR trong tuyên truyền, giới thiệu các tư liệu, hình ảnh và tác phẩm âm nhạc, mỹ thuật về Bác Hồ. Người dùng điện thoại thông minh dễ dàng truy cập tìm hiểu nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi. Quận 10 cũng giới thiệu nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Thuở sinh thời, Bác sống trọn cuộc đời thuần khiết/ Người dạy chúng ta nhiều điều, chẳng bao giờ quên những lời từng viết/ Tiết kiệm trong từng hành động/ Thì sẽ góp đủ một tòa thành rộng”. Đó là lời bài rap “Tuổi trẻ học và làm theo Bác” do các bạn sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM sáng tác, sinh viên thường hát trong các đợt sinh hoạt ngoại khóa. Các tác phẩm về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được sáng tác dưới nhiều thể loại cải lương, vọng cổ, thơ, rap và được thu âm bởi các sinh viên trường. Đây là nét mới, được các bạn sinh viên đầu tư, thực hiện một cách sáng tạo, góp phần nâng tầm Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng của Đoàn Trường ĐH Sư phạm TPHCM.
Lan tỏa, thấm sâu
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đang dần hiện hữu ở khắp nơi trên địa bàn thành phố, từ cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp đến trường học… tạo được sức lan tỏa đến từng người dân, thanh thiếu nhi. Trong đó, Học viện Cán bộ TPHCM đã khánh thành công trình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh chủ đề “Bác Hồ với thiếu nhi” và sân chơi thiếu nhi tại xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi). PGS-TS Nguyễn Văn Y, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, chia sẻ, công trình như một bảo tàng thu nhỏ, giúp các em thiếu nhi có không gian để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người. Đây cũng là nơi giúp các em thiếu nhi vừa học hỏi thêm kiến thức bổ ích, vừa là nơi vui chơi giải trí.
Theo thói quen, cuối tuần, bà Mai Thị Thanh (quận Bình Thạnh) cùng cháu nội đi lễ Phật tại Chơn Đức Thiền viện, rồi vào Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại khu chánh điện để đọc sách về Bác. “Trước đây, tôi chỉ xem nhiều kinh Phật, nay có dịp đọc các bài viết về Bác và hiểu thêm về Người”, bà Thanh bày tỏ.
Từ ngày có Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, góc sân Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) trở thành điểm hẹn của nhiều học sinh. Không gian trưng bày là ngôi nhà tranh, nhiều hình ảnh, đầu sách, tác phẩm về Bác Hồ với thiếu nhi. Đến tìm tư liệu về Bác, em Nguyễn Hà My Trang (học sinh lớp 8) chia sẻ, tại không gian này, lần đầu tiên em được đọc Di chúc của Bác Hồ. Qua đó, hiểu thêm về tình yêu thương bao la của Bác dành cho dân tộc, nhất là thiếu nhi, giúp em có thêm tư liệu cho các tiết học văn.
Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ cho cán bộ, công nhân viên mà còn dành cho khách hàng mỗi khi đến Công ty CP Cấp nước Tân Hòa để đọc, tìm hiểu về Bác. Là người được vài lần gặp Bác, bà Lê Thị Bích Trâm (ngụ quận 5) xúc động khi bắt gặp hình ảnh Bác Hồ qua nhiều giai đoạn ở đây. Những hình ảnh của Người hiện hữu nơi đây như giúp bà nhớ lại gương mặt, ánh mắt của Bác Hồ trong những lần được gặp mặt. Còn ông Nguyễn Thành Nhân (quận Tân Phú) khi đến Công ty CP Cấp nước Tân Hòa làm thủ tục liên quan cấp nước đã rất bất ngờ khi bắt gặp nhiều hình ảnh, sách và tư liệu quý về Bác Hồ được trưng bày tại đây. Ông mong muốn có nhiều hình thức phong phú hơn để người dân dễ tiếp cận, như việc chỉ cần sử dụng mã QR là có thể đọc được sách về Bác trên mạng.
* Thượng tọa THÍCH HUYỀN Ý - Trụ trì Chơn Đức Thiền viện, quận Bình Thạnh, TPHCM: Tạo điều kiện tiếp cận, nghiên cứu lời dạy của Người |