“Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh” không giới hạn ở những nơi Bác đi qua, dừng chân ở thành phố này mà sẽ được quy hoạch, thiết kế sao cho phù hợp để mọi người khi đến với TPHCM sẽ cảm nhận được đây là thành phố mang tên Bác. Sẽ nghiên cứu để có thêm những công trình, những thiết chế gắn với cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Bác, những dấu mốc gắn với di sản Hồ Chí Minh, hiện thân của những giá trị văn hóa, nhân văn mang tầm thời đại.
Việc làm cho môi trường sống thành phố chứa đầy giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hình thành “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh”, làm cho nét đẹp văn hóa, con người Hồ Chí Minh thấm sâu hơn nữa vào con người thành phố và trở thành nguồn sức mạnh đặc thù của con người thành phố là vấn đề lớn. Và nếu làm tốt sẽ có ý nghĩa lớn lao, góp phần xây dựng, bồi đắp, phát huy những phẩm chất tốt đẹp, đặc trưng con người TPHCM trong thời kỳ mới. Vấn đề đặt ra là phải tạo cho được sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trong mỗi người dân, để tất cả cùng nhau kiến tạo thành công “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh” - không gian văn hóa của một đô thị lớn vào loại đặc biệt của Việt Nam.
Trong tiến trình xây dựng và phát triển không gian đô thị ở TPHCM, việc xây dựng một “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh” là điều cần thiết cho thành phố mang tên Bác. Tuy nhiên, để phát huy được hết vai trò cũng như giá trị của không gian trên trong không gian văn hóa công cộng ở TPHCM, trước hết cần có một bản đồ quy hoạch cụ thể và hợp lý về không gian, chia ra những khu vực cố định và khu vực thay đổi linh hoạt. Từ đó, xây dựng hội đồng chuyên môn có sự liên kết và đồng bộ giữa mỹ thuật, kiến trúc, quy hoạch…
Hội đồng chuyên môn thẩm định các tác phẩm trưng bày công cộng, sẽ đưa ra phác thảo thiết kế phù hợp đặt ở những không gian trang trọng, vừa mang tính thẩm mỹ, vừa mang lại hiệu quả tuyên truyền, giáo dục về văn hóa, lịch sử… Ở những không gian thay đổi linh hoạt, hội đồng cũng kiểm duyệt các tác phẩm trước khi trưng bày để phát huy tối đa giá trị nghệ thuật, đảm bảo nhu cầu thưởng thức cho người dân.
TPHCM có vị trí vô cùng quan trọng khi là trung tâm kinh tế - xã hội hàng đầu cả nước. Việc thành phố được mang tên Bác - danh nhân văn hóa thế giới - vô cùng đặc biệt, trở thành động lực phát triển cho thành phố, trở thành niềm tự hào của người dân.
TPHCM có rất nhiều yếu tố để thu hút người dân từ mọi nơi đến sinh sống, làm việc. Một đô thị hiện đại, đa văn hóa, đa dân tộc đã tạo nhiều điều kiện cho người dân phát triển, thể hiện sức sáng tạo trong công việc. TPHCM có rất nhiều điểm đặc thù như thế, và điều quan trọng là làm sao để làm rõ nét hơn, tạo ra “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh”.
Nhiều không gian văn hóa công cộng hiện nay đã phát huy được công năng như phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường sách TPHCM… Những con đường, phố đi bộ đó đã rất đẹp rồi và cần tìm cách để không gian văn hóa ấy có nét riêng của người Nam bộ, của thành phố mang tên Bác. Để thành phố cuốn hút, tạo được động lực, phải tìm ra những nét riêng của thành phố, tạo những sản phẩm văn hóa đặc thù “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh”. Ví dụ như sự năng động, cởi mở, hiện đại, văn minh và nét nghĩa tình phải nổi lên. Nghĩa tình người Nam bộ nói chung và TPHCM nói riêng trong các không gian công cộng cần được thể hiện rõ, là sự cởi mở, sự gần gũi…
Mỗi quốc gia đều rất chú trọng xây dựng, gìn giữ và phát triển không gian văn hóa để phục vụ du khách và người dân địa phương. Đó là bộ mặt văn hóa, có vai trò cực kỳ quan trọng trong hành trình phát triển của một thành phố và của cả một đất nước. Để xây dựng một “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh”, cần thiết phải có hàng loạt thiết chế văn hóa tương xứng.
Từ thực trạng rạp hát còn nhiều ngổn ngang hiện nay, không gian văn hóa biểu diễn trong rạp lý tưởng nhất hiện tại vẫn là Nhà hát Thành phố. Không gian văn hóa ngoài trời nên chọn phố đi bộ Nguyễn Huệ để phát huy sức lan tỏa của các chương trình nghệ thuật đến rộng rãi công chúng, nhất là với người trẻ. Khi điều kiện kinh tế còn giới hạn, có thể tổ chức ít nhất mỗi quý một lần, nhưng phải duy trì thường xuyên, định kỳ.
Thực tiễn, mỗi năm, các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa xây dựng rất nhiều chương trình, kịch mục đa dạng, nhiều phong cách, vậy nên có thể chọn lựa chương trình nào thật sự chất lượng và hấp dẫn để tổ chức biểu diễn tại không gian văn hóa này, hoặc có thể xây dựng các chương trình nghệ thuật theo chủ đề, như theo mùa xuân, hạ, thu, đông…
Quan trọng hơn hết chính là lãnh đạo TPHCM phải có sự định hướng rõ ràng, cụ thể, mang tính chiều sâu, chiến lược, lâu dài, trong xây dựng và phát triển “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh”, tạo nên những địa điểm thưởng thức văn hóa nghệ thuật miễn phí, thường xuyên, cố định, phục vụ cộng đồng.
Tôi có cảm nhận TPHCM chưa có nhiều không gian văn hóa Hồ Chí Minh mang điểm nhấn và đặc trưng rõ nét. Ngoài Bảo tàng Hồ Chí Minh nằm ở vị trí gắn liền lịch sử, nếu muốn đến thăm, tìm hiểu những nơi Bác từng dừng chân hay những không gian văn hóa gắn liền với Bác thật sự chưa nhiều, nếu không muốn nói là hiếm hoi. Tôi nghĩ, thành phố nên lập thêm những không gian văn hóa mở, ở nhiều khu vực khác nhau để thu hút người dân, đặc biệt những người trẻ.
Tôi đặc biệt mong mỏi có thêm nhiều chương trình nghệ thuật, nhất là các chương trình mang tính định kỳ, được biểu diễn tại các sân khấu công cộng. Theo quan sát của tôi, các chương trình này chủ yếu lên sóng truyền hình vào các dịp lễ. Tuy nhiên, đa phần các chương trình đều được dàn dựng thiếu sự mới mẻ, không có nhiều đột phá.
Với sự phát triển của công nghệ, việc tạo nên những chương trình mang tính trực quan, sinh động, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống, sân khấu thực cảnh, là điều nên làm. Những chương trình nghệ thuật đó không chỉ đơn giản để khán giả được xem, được nghe mà còn mang đến cho họ cơ hội trải nghiệm, tương tác, đưa họ về với không gian của quá khứ, lịch sử.