Xung đột cũ - mới
Việc hài hòa những di sản mang dấu ấn thành phố qua các thời kỳ, cũng như tạo dựng bản sắc cho bộ mặt đô thị của thành phố trẻ là bài toán cấp thiết và nhiều thách thức.
Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM vừa gỡ hàng rào và thông làn 2 chiều cho tuyến đường Lê Lợi, đoạn từ đường Pasteur đến chợ Bến Thành (quận 1). Đoàn tàu metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) cũng chạy thử vào cuối tháng 8. Những công trình và trục đường giao thông mới đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của đô thị TPHCM, tuy nhiên việc xung đột giá trị cũ - mới cũng dần thể hiện rõ.
Theo TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TPHCM, trước mắt có thể nhận thấy, khu vực nhà ga Bến Thành - ga metro trung tâm, sẽ trở thành khu vực thương mại hiện đại ngầm lớn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn đến không gian công cộng - văn hóa - kinh tế truyền thống là chợ Bến Thành.
Bà đánh giá: “Gần đây, sự biến đổi cảnh quan và kiến trúc trong khu trung tâm diễn ra theo xu hướng ít thân thiện với môi trường. Cây xanh tại Công viên Chi Lăng, Công viên trước Nhà hát Thành phố, Công viên dọc bờ sông Sài Gòn và tại các dải phân cách của trục Lê Lợi giảm nhiều về số lượng và kém về chất lượng tạo bóng mát. Các tòa nhà mới xây dựng, dưới áp lực hiệu quả kinh tế trong đầu tư, thường ít đạt được các tiêu chí thân thiện với môi trường”.
Việc giữ gìn không gian cho chợ truyền thống bên cạnh những cao ốc thương mại chọc trời, còn phản ánh nếp sinh hoạt đặc trưng trong bản sắc văn hóa của người dân thành phố. Những khu chợ lâu đời như Bến Thành, Tân Định là những địa điểm có kiến trúc và chức năng gợi nhắc phương thức sinh hoạt đời thường, có sức hấp dẫn về văn hóa dân gian truyền thống của đô thị.
TS-KTS Phạm Phú Cường, Hội Kiến trúc sư TPHCM, bày tỏ: “Khung cảnh đường phố và chợ truyền thống tại TPHCM đã phản chiếu tính chất hấp dẫn thú vị của cuộc sống thành phố. Đây là nơi hội tụ của cuộc sống đời thường đô thị (hàng quán, cà phê vỉa hè, gánh hàng rong, họp chợ, nơi đi bộ, giao tiếp chuyện trò, các nghệ sĩ đường phố...) với những sự kiện sinh hoạt văn hóa đa dạng (đường sách, chợ hoa ngày tết, không gian lễ hội, biểu diễn âm nhạc, triển lãm nghệ thuật ...). Sắc thái sinh hoạt trong không gian phố - chợ là một đặc trưng đầy sức sống và chính khía cạnh nhân văn của khung cảnh đó đã tạo nên hồn của phố, đã trở thành một phần tài nguyên văn hóa tinh thần của thành phố”.
Bảo vệ di sản khởi nguồn
Sự khác biệt giữa Sài Gòn - TPHCM với các đô thị lớn khác phụ thuộc vào mối quan hệ giữa yếu tố sông nước với không gian đô thị. Thành phố gần như được sinh ra giữa những dòng sông, vì nó được ôm trọn bởi các dòng nước sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, rạch Thị Nghè…
TS-KTS Phạm Phú Cường nhìn nhận: “Các dòng sông, con rạch tại TPHCM hòa mình vào đô thị, tham gia vào cấu trúc và tiến trình phát triển của thành phố. Mọi diễn tiến phát triển kiến trúc của trung tâm hiện hữu đều in bóng trên sông nước, tựa như những dải lụa mềm mại giữa lòng đô thị. Và kết quả của một thành phố sinh ra và lớn lên từ những dòng sông, sông nước nơi đây không chỉ là một yếu tố cảnh quan, mà đã trở thành một đặc trưng quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của thành phố. Các đường nước uốn lượn giữa hai bờ Đông và Tây sông Sài Gòn, hay dọc đại lộ Võ Văn Kiệt, cùng dải không gian bờ sông kéo dài hàng chục kilomet là không gian lý tưởng để kích hoạt các hoạt động công cộng đa dạng. Trong đó, việc làm hồi sinh, tái tạo khung cảnh, năng lượng sinh hoạt “trên bến dưới thuyền” vang bóng một thời chính là hoạt động văn hóa có ý nghĩa phát huy giá trị phi vật thể của di sản đô thị tại TPHCM”.
Từ năm 2021, hoạt động chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” tại Bến Bình Đông (quận 8) được đưa vào chuỗi sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên của TPHCM. Quận 8 cũng đề xuất giữ lại khu nhà kho cũ ở Bến Bình Đông (phường 14) vì giá trị lịch sử của nó.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ Nguyễn Thanh Lợi, thành phố sông nước với cảnh quan “trên bến dưới thuyền”, những dòng kênh Tàu Hủ, Ruột Ngựa, Lò Gốm gắn liền với các địa danh Lò Gạch, Lò Lu, Lò Gốm, Lò Siêu là những xóm thủ công nổi tiếng của Sài Gòn xưa. Thời Pháp thuộc, dọc theo kênh Tàu Hủ là quang cảnh “trên bến dưới thuyền” tấp nập. Đường phố ở đây là “bến” với những cái tên về sau này được biết như Bến Hàm Tử, Bến Chương Dương, Bến Trần Văn Kiểu.
Đặc biệt, dọc theo Bến Trần Văn Kiểu, đoạn từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến rạch Lò Gốm, đầy ắp những kho lúa gạo chất cao ngất. Người ta phải xây dựng những cây cầu nối hai bờ kinh để tiện vận chuyển lúa gạo qua lại như cầu Chữ U, cầu Bình Tây, cầu Máy Rượu. Từ đây đã xuất hiện mô hình sản xuất, kinh doanh “bến chợ” hay “phố chợ” gắn liền với các nghề thủ công, trong đó việc kinh doanh lúa gạo vẫn là chủ lực”.
Với đặc thù địa lý cùng bề dày hơn 300 năm hình thành và phát triển, bộ mặt đô thị TPHCM có nhiều nét đặc sắc của một thành phố trẻ, khởi nguồn từ đô thị sông nước. Việc bảo vệ di sản “trên bến dưới thuyền” mang đậm sắc thái của văn hóa sông nước Nam bộ, một kiểu thích ứng với đặc trưng sinh thái của Sài Gòn - TPHCM, là yếu tố cần cân nhắc trong tiến trình phát triển và tạo dựng bản sắc cho thành phố trong tiến trình hiện đại hóa đô thị.
Theo TS Võ Kim Cương, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM, thẩm mỹ kiến trúc là một thành tố của không gian văn hóa công cộng, đặc biệt là không gian đường phố, cần có người chịu trách nhiệm quản lý cảnh quan kiến trúc đường phố, người đó được gọi là “Kiến trúc sư trưởng đường phố”. |