Không gian tăng trưởng cho doanh nghiệp Việt

Không phải đến bây giờ, một năm kinh tế gặp nhiều khó khăn như 2023, chuyện các doanh nghiệp nội “bị” doanh nghiệp nước ngoài mua lại mới khiến công luận chú ý.

Cần nói rõ, như thường thấy trong lĩnh vực mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A), những gì xuất hiện trên truyền thông thường chỉ là phần nổi của tảng băng, vì rất nhiều thương vụ không được công bố công khai. M&A, nhất là khi “ngoại” mua “nội”, ảnh hưởng như thế nào đến không gian phát triển của các doanh nghiệp trong nước và những thương hiệu Việt là một băn khoăn chính đáng.

Trong nền kinh tế thị trường ngày càng mở rộng cửa với thế giới của Việt Nam, khi doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn, về đầu ra do các tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu, hệ quả của đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị…, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản. M&A có thể sẽ trở thành chiếc phao cứu sinh cho nhiều chủ thể trong những tình huống ngặt nghèo như thế, khi không còn có thể trông đợi thêm các nguồn lực hỗ trợ khác.

Song ngay cả trong hoàn cảnh bình thường, M&A vẫn có thể mang đến thêm sức mạnh từ sự cộng hưởng những thế mạnh của bên bán và bên mua, tạo cho các bên tham gia và cả nền kinh tế cơ hội cùng thắng (“win - win”). Ngay cả khi chủ doanh nghiệp nội “bán đứt” doanh nghiệp cho đối tác ngoại thì cũng chưa hẳn là doanh nghiệp nội đã ngừng kinh doanh.

Khép lại một chặng đường, nhà đầu tư có thể tập trung nguồn lực cho một chặng đường mới, một lĩnh vực kinh doanh mới; thậm chí, đơn thuần là thu hồi vốn và thực hiện những mục tiêu cá nhân khác.

Mặc dù chưa phải dòng chủ lưu, nhưng không phải không có những thương vụ “nội mua ngoại” thành công. Trong khi, nhiều thương vụ “nội mua nội” đã được đánh giá thành công, nhiều nhất là trong năm 2021 - năm được coi là nở rộ các thương vụ M&A với tổng giá trị giao dịch lên đến 10,8 tỷ USD. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế là khi một thương hiệu Việt đã quen thuộc bỗng nhiên được/bị thay chủ sở hữu bởi một thương hiệu lạ khác, nhất là trong những lĩnh vực gần gũi với đại chúng như bán lẻ, kinh doanh thực phẩm, thì người tiêu dùng Việt Nam không khỏi có chút… bùi ngùi!

Rõ ràng, khi các ông chủ nước ngoài sở hữu các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt thì tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Bước vào sân chơi lớn, Việt Nam không thể không chấp nhận luật chơi. Một mặt, vẫn cần tạo điều kiện cho thị trường M&A phát triển mạnh mẽ hơn nữa, bằng cách rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục; hài hòa hóa hệ thống kế toán và kỳ vọng định giá quá cao của bên bán.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông, hoạt động M&A toàn cầu năm 2023 có nhiều khó khăn. Song trong năm 2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã ngừng tăng lãi suất. Trong nước, chính trị ổn định, các thỏa thuận thương mại được thực thi; lạm phát và nợ công được kiểm soát; dòng vốn FDI tiếp tục đà tăng bền vững..., hoạt động M&A tại Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng cả lượng và chất trong ít nhất là một vài năm tới.

Mặt khác, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh cần được tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa để mọi thành phần doanh nghiệp đều có cơ hội phát triển tốt nhất.

Cùng với đó, rất cần có những giải pháp quản lý và hỗ trợ khôn ngoan, không trái với cam kết quốc tế để tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp nội, để họ không phải “ngậm ngùi bán mình”.

Tin cùng chuyên mục