Không gian sinh hoạt của người dân bị cắt xén - Bài 3: Phải hoàn trả nơi vui chơi, thư giãn cho người dân

LTS: Sau khi đăng tải các bài viết phản ánh tình trạng cắt xén không gian sinh hoạt của người dân (như công viên, cung văn hóa, nhà thiếu nhi, trung tâm thể dục - thể thao...) trên địa bàn TPHCM, nhiều ý kiến yêu cầu hoàn trả lại không gian sinh hoạt cho người dân. Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến của một số nhà khoa học, nhà giáo và luật sư xung quanh vấn đề này.

PGS-TS, Nhà giáo ưu tú NGÔ MINH OANH, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục TPHCM: Trả lại môi trường sư phạm cho giáo dục

Trường học, học viện là những công trình mang tính đặc thù, phục vụ mục đích giáo dục, đào tạo. Chính vì yếu tố mang tính đặc thù đó nên trường học, học viện phải có khuôn viên, không gian riêng biệt và thường được ngăn cách bằng tường bao quanh. Tường rào đối với trường học, học viện không chỉ có công năng bảo vệ mà còn tạo không gian riêng biệt giữa nhà trường với xã hội bên ngoài. 

Không gian sinh hoạt của người dân bị cắt xén - Bài 3: Phải hoàn trả nơi vui chơi, thư giãn cho người dân ảnh 1
Vì thế, việc trường học, cơ sở giáo dục phá tường rào để mở kiốt cho thuê làm nơi kinh doanh buôn bán sẽ phá vỡ môi trường sư phạm. Chúng ta không thể chấp nhận trong khuôn viên nhà trường, học viện - nơi đào tạo những nhà khoa học, giáo viên, cán bộ Đoàn tương lai - mà giảng đường lại nằm cùng cửa hàng kinh doanh, quán nhậu và cà phê chòi võng...

Việc phá tường mở quán xá, cửa hàng kinh doanh không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, mà còn làm ảnh hưởng đến công tác dạy và học của nhà trường. Để có môi trường “dạy ra dạy, học ra học”, lãnh đạo các trường, học viện đã phá tường mở kiốt để kinh doanh cần khôi phục lại hàng rào, trả lại môi trường trong sạch cho thầy và trò.

Sau nhiều năm làm công tác quản lý giáo dục, tôi nhận thấy, TPHCM đã có chủ trương đưa các điểm kinh doanh, buôn bán và quán ăn uống, giải khát ra khỏi khuôn viên trường, học viện. Tuy nhiên, việc dẹp bỏ kiốt, dựng lại tường rào trường học thực hiện quá chậm. Nguyên do là lãnh đạo các trường, học viện thiếu cương quyết. Trong một số trường hợp, địa phương thiếu chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với những cán bộ, nhân viên, giáo viên đã được bố trí trong khuôn viên trường trước đây. Vì vậy, để khôi phục lại tường rào, ngoài sự nỗ lực, cương quyết của nhà trường, cơ sở giáo dục cũng cần chính sách, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

Luật gia ĐẶNG ĐÌNH THỊNH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam: Thu hồi mặt bằng, trả lại đúng công năng

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã quy định, tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Các công trình như công sở, công viên cây xanh, nhà thiếu nhi, nhà văn hóa, trường học công đều thuộc tài sản công và được điều chỉnh theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. 

Không gian sinh hoạt của người dân bị cắt xén - Bài 3: Phải hoàn trả nơi vui chơi, thư giãn cho người dân ảnh 2
Tại khoản 2, Điều 10 của luật này quy định, tất cả các hành vi “giao, cho thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ” đều bị nghiêm cấm. Căn cứ theo điều khoản này, những hành vi “phân lô”, phá tường lấy đất công sở, công viên cây xanh, trường học, nhà văn hóa... để mở kiốt cho thuê kinh doanh đều vi phạm quy định pháp luật và bị nghiêm cấm.  

Nhà đất, không gian sinh hoạt chung của người dân phải được sử dụng đúng mục đích là một yêu cầu tiên quyết. Những đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công là các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể trong hệ thống mặt trận nên làm gương, nghiêm túc chấp hành pháp luật. Vì thế, những đơn vị, tổ chức đã cắt đất công cho thuê nên khắc phục sai phạm bằng cách hủy hợp đồng cho thuê, trả lại công năng, mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Luật sư TRẦN ĐÌNH DŨNG, Giám đốc Công ty TNHH Luật Đông Pháp: Không thể lấy lý do “tăng thêm thu nhập” để bao biện

Quản lý và sử dụng nhà đất, không gian công cộng được điều chỉnh bằng Luật Đất đai, Luật Quy hoạch và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Nguyên tắc nhất quán trong việc sử dụng nhà đất là phải đúng quy hoạch và mục đích sử dụng đất. Theo đó, đất công viên cây xanh là không gian công cộng cho người dân nghỉ ngơi, giải trí. Đất trường học sử dụng cho việc dạy và học...  

Không gian sinh hoạt của người dân bị cắt xén - Bài 3: Phải hoàn trả nơi vui chơi, thư giãn cho người dân ảnh 3
Một số cơ quan, đơn vị được giao quản lý đất trường học, công viên, nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa... nhưng lại cắt đất cho thuê kinh doanh là không làm đúng chức năng, nhiệm vụ và vi phạm pháp luật. Những lý do mà các đơn vị đưa ra như “tăng thêm thu nhập”, “tạo kinh phí hoạt động”, hay “thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước”... đều không hợp lý. Những việc làm sai trái này không chỉ gây thất thoát tài sản, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.

Chẳng hạn, theo Quyết định 5986 ngày 24-11-2012 của UBND TPHCM, Trung tâm Thể dục thể thao Hoa Lư có chức năng tổ chức và quản lý công tác huấn luyện đào tạo vận động viên các môn thể thao của thành phố và tổ chức các giải thi đấu cấp thành phố, quốc gia. Chức năng của Cung Văn hóa Lao động TPHCM cũng được quy định tại Quyết định 1394/TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đây là trung tâm hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, tuyên truyền giáo dục, bồi dưỡng nghiệp vụ dành cho công nhân, viên chức đến vui chơi, giải trí, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, thể thao lành mạnh. Trong chức năng, nhiệm vụ đơn vị được giao quản lý tài sản công không có kinh doanh nước giải khát, rau củ quả hay mở “hội chợ” kinh doanh hàng hóa. Vì thế, những đơn vị, cá nhân không thể đưa lý do “tăng thêm thu nhập” hay “nộp tiền vào ngân sách” để bao biện cho sai phạm, mà cần phải khắc phục, trả lại không gian công cộng cho người dân.

Tin cùng chuyên mục