Việc Ươm đóng cửa để lại không ít tiếc nuối trong giới hoạt động sáng tạo, bởi không gian quen thuộc này không chỉ là điểm hẹn cà phê, mà còn là nơi để các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo, những khóa học kết nối người làm sáng tạo và khán giả cùng nhau thăng hoa.
Hành trình của Ươm không quá 3 năm hoạt động, nhưng đủ chứng kiến những thay đổi, xu hướng mới cập nhật liên tục trong lĩnh vực lao động sáng tạo. Trước Ươm, vào năm 2022, không gian sáng tạo The Factory (TP Thủ Đức) cũng ra thông báo tạm ngưng hoạt động. Trong năm 2023 vừa qua, vài sự kiện nghệ thuật cũng quay trở lại nơi này, nhưng lời giới thiệu quay trở lại gần như vẫn biệt tăm.
Việc hụt hơi đường dài của một số không gian văn hóa có nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lĩnh vực sáng tạo cũng không ngoại lệ. Nhưng điều đáng quan tâm hơn, chính là sự cách biệt của nghệ thuật đương đại, khi thẩm mỹ cộng đồng vẫn chưa thực sự nâng cao và đồng bộ. Các không gian sáng tạo hiện nay, thường gắn liền với các hoạt động nghệ thuật đương đại và tác phẩm đương đại vẫn là một ẩn số cách biệt với thị trường, việc sáng tác thỏa đam mê người thực hành nhiều hơn là câu chuyện kinh tế…
Vì thế mà tính dễ xem, dễ cảm trong tác phẩm đương đại không dành cho số đông, khá ít nhà sưu tập mạnh dạn tìm đến, nên việc mở rồi đóng cửa các không gian này như là sự tất yếu. Bên cạnh đó, trợ lực tài chính để các không gian này duy trì đường dài vẫn là trăn trở hàng đầu hiện nay. Gần như các không gian này đều do tư nhân hoặc cá nhân sáng lập và vận hành, vì thế việc tiếp cận nguồn vốn cần thiết chưa đủ mạnh, thậm chí không đủ duy trì trong thời gian ngắn, nên mọi thứ vẫn xoay quanh chuyện “sớm nở chóng tàn”.
Trong xu hướng phát triển hiện nay, sự xuất hiện của các không gian sáng tạo không còn là thử nghiệm, hay thăm dò thị trường mà nó là sự cần thiết để làm bệ phóng cho các ngành sáng tạo, người thực hành sáng tạo… Nhưng đường dài, cần phải có trợ lực cụ thể, mà trước hết phải giải bằng được bài toán “đầu tiên” là tiền đâu.