Không gian phát triển lúa gạo

Lúa gạo tiếp tục tạo ra kỳ tích mới. Xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm nay tuy không đạt đỉnh cao nhất về lượng với 7,753 triệu tấn, nhưng lập kỷ lục về kim ngạch với 4,408 tỷ USD.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là mức cao nhất sau 34 năm nước ta quay trở lại thị trường xuất khẩu gạo thế giới. Nhưng kỳ tích lúa gạo hiện tại không đảm bảo chắc chắn cho thành công mới trong tương lai.

Xét trên tổng thể, nhiều năm qua, ngành hàng lúa gạo vẫn đang bị chặt ra thành nhiều khúc theo kiểu mua đứt, bán đoạn, nên người này được, thì người kia mất. Khi vật tư nông nghiệp, dịch vụ đầu vào tăng, được lợi cho doanh nghiệp, thì đẩy gánh nặng sản xuất lên người nông dân. Trong khi cải tiến sản xuất, năng suất trồng lúa tăng sắp đến ngưỡng, lúa trúng mùa, được giá, nông dân mừng, thì doanh nghiệp than lỗ vì phải ký hợp đồng xuất khẩu trước giá thấp, phụ thuộc thương lái, mua lúa nguyên liệu giá cao do thị trường biến động.

Chính vì vậy mà mới đây, việc Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được kỳ vọng cho một giai đoạn phát triển mới. Không gian phát triển lúa gạo trọng điểm đang được cụ thể hóa trong một không gian vật lý cụ thể. Hơn thế, đó còn là sự tích hợp với các nguồn lực vật chất, từ lợi thế tự nhiên, các nguồn tài chính, khoa học công nghệ; đặc biệt là nguồn lực con người trong mối liên kết các tác nhân quan trọng trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

Ngành kinh tế lúa gạo đang được tiếp cận theo tư duy khác trước, đánh dấu một bước chuyển lịch sử. Từ đơn ngành, đơn giá trị sang kết nối đa ngành, tích hợp đa giá trị để mang lại đa thu nhập, đa lợi ích, giải quyết những bất cập của ngành trồng lúa, thu nhập bấp bênh của người nông dân bằng cách cân bằng lợi ích dựa trên ba trụ cột phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL đang được cụ thể hóa bằng các quy hoạch tỉnh, thành, đã và đang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm bố trí không gian phát triển và huy động tốt nhất các nguồn lực đầu tư. Lúa gạo với sự tích hợp đa ngành, tức không chỉ là trồng lúa, mà có thể kết hợp nuôi thủy sản, làm du lịch, lồng ghép phát triển và ứng dụng năng lượng sạch. Việc gia tăng giá trị từ việc sản xuất lúa giảm phát thải nhà kính để có thể bán tín chỉ carbon cũng là cách tiếp cận kinh tế mới mang nhiều trách nhiệm xã hội và môi trường. Nhìn rộng ra, không gian phát triển của ngành hàng lúa gạo Việt Nam không chỉ giới hạn trong không gian vật lý 1 triệu hécta, mà nó cần được gắn với bài toán cung - cầu lúa gạo quốc gia, gắn với sự hình thành và phát triển của trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng tại TP Cần Thơ và 8 trung tâm nông sản ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL.

An ninh lương thực là vấn đề mang tính toàn cầu, đang được tiếp cận và giải quyết hài hòa trên ba phương diện, không chỉ là nhu cầu dinh dưỡng, không để xảy ra thiếu đói, mà còn phải hài hòa lợi ích kinh tế, sinh kế của người dân và hài hòa xã hội, tránh tạo ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận lương thực của người dân, lợi ích chính đáng của người trồng lúa. Bài toán phát triển cây lúa và thu nhập của người trồng lúa được đặt trong bức tranh tổng thể của nền nông nghiệp thông minh và nông thôn hiện đại. Vì vậy, chúng ta đang cần là sản xuất lớn hơn, ứng dụng công nghệ tốt hơn và quản lý phù hợp hơn, kết hợp chế biến sâu, đổi mới sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị hơn từ hạt lúa bằng cách phát triển các ngành công nghiệp sau gạo, thương hiệu hóa sản phẩm để ngành hàng lúa gạo có giá trị gia tăng gấp nhiều lần.

Không gian phát triển lúa gạo đang mở ra phía trước từ tư duy mới, cách tiếp cận mới và cách thức giải bài toán lúa gạo Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục