Không gian đậm chất nghệ thuật
Từ những chất liệu tưởng chừng lạnh lẽo cứng nhắc như sắt, thép, inox, các nghệ sĩ đã diễn tả tinh tế những tâm sự và trăn trở của nghệ sĩ về cuộc sống, về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên trong các mối liên kết của sự sinh tồn, phát triển. Mỗi tác phẩm như một tự truyện, đưa đến những thông điệp sâu lắng khiến mỗi du khách đến đây như chìm đắm trong một miền không gian rất riêng của nghệ thuật.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, cũng đánh giá cao những thành quả mà dự án nghệ thuật này đã đạt được trong 5 mùa qua. Theo ông, Không gian nghệ thuật trong rừng là bước đi tiên phong trong bối cảnh điêu khắc ngoài trời ở Việt Nam còn gặp nhiều lúng túng khi hòa hợp điêu khắc với khung cảnh thiên nhiên, kiến trúc xung quanh, nhất là với những công trình điêu khắc đồ sộ về kích thước và trọng lượng...
Trong bối cảnh nhiều khó khăn của nghệ thuật Việt Nam hiện nay, họa sĩ, nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân cho rằng, dự án này mở ra một lối phát triển mới với nghệ thuật.
“Tôi từng được dự nhiều trại sáng tác trong và ngoài nước, nhưng ít nơi, sáng tác của nghệ sĩ không bị giới hạn về chủ đề, chất liệu và thời gian. Lâu nay, chúng tôi sáng tác mà không biết tác phẩm của mình sẽ nằm trong không gian như thế nào. Nhưng tại đây, người nghệ sĩ biết “đứa con tinh thần” của mình sẽ “lớn lên” với cảnh quan xung quanh và họ cũng thấy hứng thú hơn”, họa sĩ Nguyễn Quân nói.
Tiếp sức người làm nghệ thuật
Thu được trái ngọt ngay từ mùa nghệ thuật đầu tiên, tên tuổi của Không gian nghệ thuật trong rừng đã lan tỏa mạnh mẽ, vì thế trong liên tiếp trong những mùa sau đó, nơi này đã đón nhận được sự quan tâm của nhiều nghệ sĩ điêu khắc đến từ nhiều nền mỹ thuật mạnh trên thế giới như: Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc…
Ông Mukai Katsumi, nghệ sĩ Nhật Bản, chia sẻ: “Khi các tác phẩm điêu khắc được đặt vào đúng chỗ, sẽ không chỉ tăng thêm tính thẩm mỹ của chính bản thân tác phẩm mà còn khiến con người tìm được sự bình yên trong thiên nhiên sau những giờ làm việc căng thẳng”.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, nhận định: “Flamingo Đại Lải là một khu du lịch hiếm hoi có các tác phẩm nghệ thuật thực sự, tạo ra được không gian thẩm mỹ rất riêng biệt và tạo nên sức hút”. Theo ông Vi Kiến Thành, quan sát dự án Không gian nghệ thuật trong rừng năm thứ 5, ông thấy đây là cách rất hay để điêu khắc được chú ý, lan tỏa và tương tác nhiều hơn với công chúng.
Ông Kowk Kian Chow, nguyên Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, người tiếp quản không gian nghệ thuật này được 2 tháng, nhấn mạnh: “Dự án dự định thực hiện trong 10 năm và sẽ tạo ra khoảng 100 tác phẩm. Nhưng đi được nửa chặng đường, con số tác phẩm đã hơn 100. Đó là sự cố gắng không mệt mỏi của nghệ sĩ từ nhiều quốc gia, mang lại ý nghĩa văn hóa vô cùng to lớn cho công viên điêu khắc nghệ thuật lớn nhất Đông Nam Á này”.
Đây là chủ đầu tư tiên phong tại Việt Nam đầu tư bài bản để phát triển một không gian nghệ thuật quy mô và định hướng lâu dài dựa trên nền tảng của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật có chọn lọc tại một khu nghỉ dưỡng. Kiên trì bảo trợ và tạo dựng một không gian nghệ thuật trong rừng, như tên gọi của chương trình, nơi này đã mang đến cảm hứng đặc biệt để các nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo, thể hiện các ý tưởng giữa không gian thiên nhiên rộng lớn, góp phần vào sự phát triển của nền điêu khắc và hội họa nước nhà.