Muốn vui cũng phải tiện
Muốn vào gửi xe phải là khách đi tuyến buýt đường sông hoặc nhân viên ở đây, vì vậy Nguyễn Gia Bảo (28 tuổi, quận 4) đã bị nhân viên bảo vệ từ chối giữ xe cho khách dạo công viên bến Bạch Đằng, anh đành vòng xe lại, hướng sang phố đi bộ tìm chỗ gửi. Bãi giữ xe ở góc đường Lý Tự Trọng và Pasteur (quận 1), khách đi bộ sang phố đi bộ Nguyễn Huệ hay đến công viên bến Bạch Đằng là “bở hơi tai”. “Dân chụp hình như tụi tui hay lang thang hoặc cuốc bộ quen rồi, đi bộ cũng vận động luôn mà. Công viên này vị trí đẹp, mới mở theo hướng hiện đại, chịu khó canh thì có nhiều góc máy hay lắm, nhưng có điều bãi giữ xe bố trí không hợp lý, tui tìm hoài mà không biết gửi đâu luôn”, Gia Bảo kể.
Điểm giữ xe xa và bố trí chưa hợp lý, những buổi chiều cuối tuần hay lễ tết, ngang qua khu vực này, giao thông khá lộn xộn vì nhiều cặp đôi chọn cách dừng xe sát công viên, đậu dưới lòng đường hoặc vỉa hè. Người ngồi trên xe, người mua đồ ăn vặt, nếu có bảo vệ nhắc nhở thì rồ máy rời đi. “Tôi cũng muốn gửi xe rồi đi dạo ở công viên, mà người ta chỉ chỗ giữ xe xa quá nên làm biếng đi bộ lại. Thấy nhiều người cũng đậu xe bên ngoài nên tụi tui cũng sáp vô luôn. Chú bảo vệ có nhắc thì mấy bạn kia cũng chỉ nhích xe từ chỗ này qua chỗ kia là xong. Chứ gửi xe rồi cuốc bộ lại xa quá, lỡ có mưa trú không kịp”, Phương Anh (nhân viên văn phòng, ngụ quận Bình Thạnh) cho hay.
Khu vực này cuối tuần khá đông, người dạo mát, người chụp ảnh với hậu cảnh sông Sài Gòn hay cầu Thủ Thiêm, vì theo nhiều bạn trẻ, nơi đây có cảnh đẹp như nước ngoài. Tuy nhiên, muốn có bức hình đẹp cũng mướt mồ hôi canh góc chụp. “Công viên mới, vị trí đẹp nên đông người lui tới, phải canh góc chụp để không dính người qua lại. Phần nữa là hàng rong dọc theo công viên quá chừng đông, muốn có tấm hình đẹp cũng phải né dữ lắm”, Phạm Bảo Ngọc (28 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ.
Cần bản sắc hơn số lượng
“Phố đi bộ sao xe vẫn vào?”, là câu hỏi mà không ít người đặt ra khi rảo bước ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Thường vào tối cuối tuần hoặc các dịp lễ lớn sẽ có rào chắn để xe không lưu thông vào phố, còn lại thì mọi việc vẫn bình thường. Hàng rong trên phố cũng không thua gì khu vực công viên bến Bạch Đằng… Liệu bản sắc của khu vực công cộng ở vị trí trung tâm thành phố như vậy đã ổn?
Phố đi bộ không hẳn chỉ dành cho hoạt động đi bộ, không gian công cộng này chắc chắn sẽ ứng dụng vào nhiều nhu cầu khác nhau trong đời sống sinh hoạt của người dân, cũng như khai thác kinh tế đêm và phục vụ du lịch. Nhưng hơn hết, lộ trình xây dựng và quản lý những không gian này cần mang bản sắc và “chất” riêng để thể hiện vai trò bộ mặt mỹ quan đô thị. Ngay con phố bán hàng rong đầu tiên ở TPHCM từ năm 2017 trên đường Nguyễn Văn Chiêm, giờ cũng đìu hiu với 5 xe bán hàng nhỏ, chẳng mấy khách lui tới…
Sau 2 phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bùi Viện (quận 1), phố đi bộ ở quận 10 (khu vực Kỳ đài Quang Trung) hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn, tuy nhiên cũng không mới lạ gì. “Tôi thấy giống như gom lại bán chợ đêm thì đúng hơn, quầy ăn uống, rồi mua sắm quần áo, túi xách… Cũng không khác gì chợ đêm Hạnh Thông Tây hay Cây Gõ. Tôi nghĩ không gian phố đi bộ nên dành cho những mảng xanh để bớt áp lực khói bụi của đô thị, có không gian để mọi người trải nghiệm hoạt động ngoài trời hơn là xúm xít ăn uống rồi mua sắm, việc đó nên dành cho chợ đêm”, Trương Thanh Minh (30 tuổi, ngụ quận 10) bày tỏ.
Có thể nói, thành công và cách để duy trì đường dài hiệu quả cho những tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực chính là bản sắc mà du khách nghĩ đến đầu tiên khi nhắc về nó. Những con phố chuyên phục vụ cho hoạt động văn hóa - nghệ thuật - giải trí ngoài trời, trở thành quảng trường lớn khi có sự kiện cần thiết; hay con phố “dày” mảng xanh, điểm đến để người dân cân bằng lại sau những bộn bề công việc nơi cao ốc, là điều cần thiết. Cũng cần có riêng khu vực hàng rong, chợ đêm, chứ không phải gắn tên phố đi bộ để rồi khách dạo phố chen chúc trong những quầy bông tai, túi xách, hay ngợp khói nướng đồ ăn vặt…