Ngày 16-5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện các quyết định của Bộ Chính trị: Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW về ban hành Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền.
Các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ chinh trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TPHCM và Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ chinh trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương chủ trì hội nghị.
Yêu cầu của Đảng, nguyện vọng của nhân dân
Khai mạc hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ, năm 2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW. Đây vừa là yêu cầu của Đảng, vừa là nguyện vọng của nhân dân, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy dân chủ xã hội.
Kể từ khi có các quyết định này, chủ trương của Đảng về giám sát, phản biện xã hội đã được hiện thực hóa. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội được triển khai cụ thể, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng đại diện cho lợi ích, nguyện vọng của nhân dân.
Theo báo cáo, ở Trung ương, MTTQ đã phối hợp 10 bộ ngành triển khai 9 chương trình giám sát ở các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội như chính sách với người có công; bảo vệ môi trường; thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội; thực hiện pháp luật về sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp…
Cùng với đó, 63 tỉnh thành đã tổ chức 721 cuộc giám sát; cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc; cấp xã tổ chức 49.564 cuộc.
Quyết định 217, 218 đã mở ra cơ hội để MTTQ và các đoàn thể thực hiện quyền giám sát, phản biện xã hội.
Trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương sẽ hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội 2017-2020 trong hệ thống MTTQ Việt Nam và hệ thống Đảng các cấp.
Hàng năm, hai bên phối hợp sơ kết công tác giám sát, phản biện xã hội để các hoạt động này đi vào nề nếp, có các cơ sở pháp lý hoàn chỉnh.
Năm 2018 và 2020, Đảng đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương sẽ báo cáo Ban Bí thư về tình hình và kết quả triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội trong toàn hệ thống chính trị…
Thực hiện giám sát, phản biện chính là đảm bảo sự tồn tại của chế độ
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định, trong cơ chế chính trị hiện nay, việc giám sát, phản biện đóng vai trò quan trọng. MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân phải có quyền, trách nhiệm tham gia đóng góp xây dựng Đảng và chính quyền.
“Trong hệ thống quản lý khi có chỉ huy thì phải có kiểm tra và giám sát. Hoạt động của chính quyền cả nước liên quan đến hơn 11.000 phường xã trên cả nước, đến hàng triệu doanh nghiệp, nếu chỉ dựa vào bộ máy kiểm tra, thanh tra chuyên trách của chính quyền các cấp thì việc kiểm tra giám sát không thể đầy đủ. Vì vậy, việc giám sát có yêu cầu bức bách cả về ý nghĩa quản lý và chính trị”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu.
Lấy ví dụ từ hoạt động thanh tra, giám sát việc cung cấp thức ăn chăn nuôi, phân bón, nguyên liệu trong sản xuất nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, lực lượng thanh tra về nông nghiệp trên cả nước không thể giám sát hàng vạn đầu mối trên cả nước.
“Không ai "tai mắt" bằng nhân dân, chính vì vậy để thực hiện tốt điều này nhất định phải có sự tham gia giám sát của nhân dân. Giám sát phản biện về góc độ quản lý là giám sát khách quan”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Vẫn theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nếu kinh tế kế hoạch có vài chục nghìn nhà máy, công ty thì kinh tế thị trường hiện nay liên quan đến vài triệu doanh nghiệp. Đối tượng giám sát sẽ không ngừng tăng lên nhưng bộ máy quản lý nhà nước không thể tăng tỷ lệ thuận với kinh tế thị trường, nên lực lượng đông đảo để tham gia giám sát chính là nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thực tiễn của chương trình giám sát về thực hiện chính sách đối với người có công vừa qua càng cho thấy điều này: những vấn đề lớn của xã hội, bộ máy của Đảng, Nhà nước chỉ giám sát một số lượng không lớn, còn giám sát toàn diện là phải thông qua người dân và tổ chức của mình.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, 3 năm qua, nếu không có quyết tâm chính trị của Đảng, của Mặt trận và các tổ chức thành viên thì không có trên 56.000 cuộc giám sát.
56.000 cuộc giám sát là 56.000 lần Mặt trận và các tổ chức thành viên thể hiện sự quan tâm tới lợi ích của dân thông qua 56.000 bản kiến nghị gửi tới các cơ quan liên quan và tổ chức được giám sát.
Đồng thời đã có hơn 30.000 ý kiến phản biện của người dân gửi đến chính quyền các cấp; hơn 90.000 cuộc đối thoại giữa nhân dân với chính quyền các cấp thông qua mặt trận và các tổ chức thành viên.
Kết quả 178.000 lần tổ chức giám sát, phản biện, đối thoại trong 3 năm qua đã thể hiện tính xã hội và là kết quả quan trọng đối với hoạt động của đất nước.
Đặc biệt, đến nay đã hình thành khá đồng bộ thể chế chính trị để triển khai giám sát, phản biện.
“Việc giám sát xuất phát từ yêu cầu dân chủ trong thể chế chính trị. Trong thể chế nước Việt Nam, việc đảm bảo dân chủ, đảm bảo ý kiến người dân được lắng nghe chính là việc thông qua giám sát, phản biện. Đây cũng chính là yêu cầu có tính chất chính trị của hệ thống. Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị vừa phản ánh về khoa học quản lý vừa phản ánh yêu cầu thể chính trị của đất nước. Lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức thành viên các cấp phải thấy được quyền và trách nhiệm của mình đối với đất nước”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Không giám sát, phản biện thì đất nước sẽ ngày càng khó khăn bởi tình trạng xa dời dân, quan liêu, sai phạm không thể khắc phục được. Thực hiện giám sát, phản biện chính là đảm bảo sự tồn tại của chế độ, gìn giữ sự vững mạnh của chính quyền ở cơ sở.
Với ý nghĩa đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Mặt trận và các tổ chức thành viên phải coi việc giám sát là vì thể chế chính trị của mình, điều đó cũng đã được quy định trong Hiến pháp.