Như Báo SGGP đã nêu trong loạt bài “Khai thác đá - những hệ lụy môi trường”, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về “Hiện trạng hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở khai thác mỏ đá trên địa bàn tỉnh” và kiến nghị UBND tỉnh hàng loạt biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước, giảm thiểu ô nhiễm và bức xúc của người dân.
Ông Nguyễn Ngọc Thường (Phó Giám đốc, người phát ngôn của Sở TN-MT Đồng Nai) thừa nhận, tình trạng ô nhiễm môi trường bên ngoài các mỏ đá như: chưa đảm bảo vệ sinh môi trường tại các tuyến đường chung; công tác vệ sinh các xe vận chuyển từ mỏ đá ra tuyến đường chung còn chưa tốt; còn tình trạng xe vận chuyển quá tải, quá khổ, che chắn chưa tốt làm rơi vãi đất đá, gây ô nhiễm, bụi dọc các tuyến đường vận chuyển; tuyến đường chung tại các khu vực mỏ đang khai thác chưa đảm bảo về điều kiện thoát nước, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường; bụi, lầy lội tác động đến môi trường cộng đồng xung quanh… Sở này đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương thực hiện một loạt biện pháp khắc phục. Cụ thể như:
Chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác đá xây dựng quy chế hạn chế bán hàng cho các chủ xe vận chuyển đá sản phẩm không đảm bảo việc che chắn, chở quá tải trọng không đảm bảo an toàn giao thông, gây ảnh hưởng môi trường xung quanh; kiến nghị UBND tỉnh giao UBND TP Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Định Quán, Long Thành, Nhơn Trạch tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát, xử lý ô nhiễm bụi từ hoạt động vận chuyển đá trên các tuyến đường chung và giải pháp giám sát cộng đồng tại các cụm mỏ; kiến nghị UBND tỉnh giao công an tỉnh chủ động, tăng cường công tác phối hợp liên ngành, kiểm soát tải trọng xe và an toàn giao thông trên các tuyến đường chung của cụm khai thác để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm, gây bức xúc dư luận, cộng đồng dân cư; chỉ đạo Sở GT-VT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát thiết bị giám sát hành trình, cơi nới thùng xe và đăng ký đăng kiểm theo quy định; xây dựng kế hoạch chuyển trạm cân lưu động về các khu mỏ, các vấn đề quản lý liên quan và báo cáo kết quả tiến độ thực hiện đường chuyên dụng vận chuyển vật liệu xây dựng tại xã Phước Tân (TP Biên Hòa).
Liên quan đến cụm mỏ đá Dĩ An như đã phản ánh trong loạt bài các hệ lụy đối với đời sống người dân, hệ thống đường sá… từ việc khai thác đá đến nay vẫn chưa có biện pháp căn cơ để khắc phục thì các doanh nghiệp khai thác đá đang tiếp tục làm đơn kiến nghị được tiếp tục khai thác. Lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Bình Dương cho biết, Sở này vừa mới có văn bản kiến nghị lãnh đạo tỉnh không tiếp tục cấp phép cho các doanh nghiệp và thực hiện theo đúng quy hoạch khai thác mỏ đã được phê duyệt đến hết năm 2017.