Ngày 9-8, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua kiểm tra thực tế trên sông Đồng Nai tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Đồng Nai, hai địa phương đã thống nhất chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc chấn chỉnh hoạt động khai thác cát tại khu vực trên, đồng thời tăng cường công tác phối hợp quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên môi trường.
Cụ thể, giao Sở Tài nguyên và Môi trường hai tỉnh không tham mưu gia hạn đối với giấy phép khai thác cát trước đây đã hết hạn; không cấp phép thăm dò, khai thác cát khu vực giáp ranh.
Tạm dừng khai thác cát tại khu vực huyện Đạ Tẻh (đến hết tháng 7-2017), khu vực huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng (đến hết tháng 8-2017) đối với các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác cát khu vực giáp ranh.
Giao UBND huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), UBND huyện Cát Tiên, UBND huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) trục xuất tất cả các ghe, thuyền có kết cấu bơm hút cát (không thuộc các doanh nghiệp khai thác cát được cấp giấy phép) neo đậu dọc tuyến sông Đồng Nai và sông Đạ Quay ra khỏi khu vực trên. Đồng thời sẽ thu hồi giấy phép khai thác cát các doanh nghiệp trong thời gian tạm ngưng nhưng vẫn tiếp tục hoạt động.
Hiện ở vùng giáp ranh giữa huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) và các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) có 13 dự án đang có phép hoạt động (đều do tỉnh Lâm Đồng cấp phép).
Trước đó tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 4 dự án và hạn chế khai thác đối với 5 dự án khai thác cát trên đoạn sông Đồng Nai nhằm hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông. Địa phương này cũng đã ngừng cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi trên sông Đồng Nai từ tháng 5-2011.
Liên quan tới tình trạng sạt lở bờ sông Đồng Nai do tình trạng khai thác cát quá mức, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã gửi UBND tỉnh Bình Phước đề nghị phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản, trong đó không cấp mới giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản (gồm cát, sỏi) trên sông Đồng Nai đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh. Đồng thời, không gia hạn, cấp lại giấy phép đối với trường hợp giấy phép đã cấp trước đây hết hạn.